Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn cho biết: Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông sinh ngày 20/11/1916 tại Hà Nội. Ông được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà sử học, khảo cổ học, nhà hoạt động chính trị, nhà sư phạm mẫu mực, nhà thơ của thể loại anh hùng ca, với nhiều chức danh cao ở trong nước và quốc tế. Song trước hết phải nói đến Phạm Huy Thông – một trí thức cách mạng yêu nước.
Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1966); nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1967-1988), nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện trưởng đầu tiên của Viện Khảo cổ học. Ông cũng là người sáng lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Phạm Huy Thông là hậu duệ thế hệ thứ 24 của danh tướng thời nhà Trần, Phạm Ngũ Lão. Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288), Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công...
Năm 16 tuổi Phạm Huy Thông đã nổi tiếng tiên phong của phong trào Thơ mới, điển hình là bài thơ “Tiếng địch sông Ô”. Năm 21 tuổi ông đỗ cử nhân luật tại Viện Đại học Đông Dương. Năm 22 tuổi ông sang Pháp tiếp tục theo học chương trình đào tạo trên đại học các ngành sử, địa, luật, kinh tế, chính trị. Năm 26 tuổi ông lần lượt đỗ tiến sĩ luật, thạc sĩ sử-địa tại Pháp. Năm 31 tuổi ông được phong giáo sư giữ chức Ủy viên Hội đồng Giáo dục tối cao của Pháp.
Năm 1946, tại Paris (Pháp) ông được chọn giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Hội nghị Fontainebleau. Chính thời gian được gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã quyết định đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho Tổ quốc. Năm 1949 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, năm 1953 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông phụ trách tổ chức Việt kiều yêu nước hải ngoại, bị bắt, bị giam cầm. Năm 1952 bị trục xuất khỏi Pháp, về nước ông vẫn kiên định lý tưởng của Đảng, năm 1952 ông bị chính quyền Pháp đưa về quản thúc tại Hải Phòng.
Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông là người có biệt tài về tổ chức và kinh nghiệm lãnh đạo công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ông đã cùng các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện thành công nhiều đề tài do Đảng, Nhà nước giao như: “Thời đại các Vua Hùng dựng nước”, “Khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ sau Công nguyên”, “Khảo cổ học với văn minh thời Trần”… góp phần làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia có nền khảo cổ học mạnh tại Đông Nam Á và thế giới. Bên cạnh các công trình nghiên cứu, sáng tác, Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông còn là một dịch giả nổi tiếng, chuyển ngữ thành công tập Truyện ký Nguyễn Ái Quốc từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Với tất cả những đóng góp, cống hiến của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng nền Khoa học xã hội và Giáo dục Việt Nam, cho sự nghiệp hòa bình thế giới, Đảng, Nhà nước ta đã tặng Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông nhiều huân chương và phần thưởng cao quý. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khảo cổ (Hang Con Moong, trống đồng Đông Sơn và các bài dẫn luận về thời đại Hùng Vương).
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp và bằng hữu viết về Giáo sư trên tất cả các lĩnh vực hoạt động cách mạng, văn hóa – xã hội, sáng tác nghiên cứu văn học, thơ ca, đặc biệt là nghiên cứu sử học, khảo cổ học của ông.