Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định...”.
Trong thực tế, nhiều địa phương như xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã và đang có những cách làm hay trong việc xây dựng nông thôn mới với việc phát huy vai trò làm chủ của chính những người dân.
Khác với những xã khác của huyện Hưng Hà, xã Hồng Minh, ruộng đất rất manh mún. Trong khi bình quân số mảnh ruộng của mỗi hộ trong toàn huyện là 3,8 thì ở Hồng Minh, con số đó là 5,9.
Thế nên khi được UBND tỉnh Thái Bình và UBND huyện chọn làm xã xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), Đảng ủy xã Hồng Minh đã lập tức xác định ngay muốn nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân (theo một trong những tiêu chí quan trọng nhất của mô hình NTM thì phải khắc phục được tình trạng manh mún về ruộng đất. Thế là cuộc vận động “dồn điền đổi thửa” triệt để được phát động. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trọng Lộ cho biết: Dồn điền đổi thửa là một việc vô cùng khó, vì nó đụng chạm đến không chỉ Luật Đất đai mà còn đến quyền lợi sát sườn và nhất là tâm lý muốn ổn định, không muốn xáo trộn của người dân. Khó, nhưng vẫn phải làm, vì quyền lợi của dân, cho nên việc vận động, thuyết phục được coi là quan trọng nhất. Chủ trương của Đảng ủy là với những hộ có từ 1 đến 3 khẩu thì dồn lại chỉ còn 1 thửa. Hộ từ 3 khẩu trở lên từ 1 đến 2 thửa…”.
Hệ thống giao thông liên xã của xã Trọng Quan (Đông Hưng, Thái Bình) được nâng cấp theo đề án xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới. Ảnh: Đình Huệ -TTXVN |
Kết quả là cho đến nay, bình quân số thửa của mỗi hộ ở Hồng Minh chỉ còn 1,8. Bộ mặt đồng ruộng đã có sự thay đổi cơ bản. Cùng với việc “dồn điền đổi thửa”, Hồng Minh còn làm được một việc rất có ý nghĩa. Với những chị em đi lấy chồng từ thôn nọ sang thôn kia trong xã, nếu ruộng của họ vẫn còn ở thôn cũ thì cắt chuyển về thôn mới nơi họ lấy chồng. Cắt chuyển, nhưng vẫn phải đảm bảo cho ruộng đất của các thôn liền khối, không đẩy những phần ruộng “cắt chuyển” ấy đến những chỗ xa xôi hay đất xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của chị em. Tổng cộng có 158 suất ruộng đã được chuyển dịch nội bộ như vậy. Cùng với việc “dồn điền đổi thửa” và dịch chuyển đất đai nội bộ, đất công của xã (5%) cũng được quy hoạch lại cho gọn vùng để phục vụ lợi ích chung. Theo quy hoạch, xã sẽ dành 2 ha đất công để làm bãi rác, giải quyết cơ bản nạn ô nhiễm môi trường. Xã có 11 thôn, trước đây có 11 nghĩa địa, nay dồn lại chỉ còn 4 nghĩa địa.
Một vấn đề nữa, muốn xây dựng mô hình NTM, thì phải quy hoạch lại đồng ruộng, mở rộng nội đồng, kênh mương… để có thể đưa máy móc vào. Tất cả đều cần diện tích đất. Để giải bài toán đất một lần nữa, một đợt vận động lại được xã phát động. Kết quả thật mỹ mãn: 20,5 ha đất nông nghiệp, trị giá khoảng 20 tỷ đồng, đã được người dân tình nguyện hiến để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất (bình quân cứ mỗi sào đất, bà con tình nguyện hiến 15 m2). Với diện tích đó, đường nội đồng được mở rộng, mương máng, trạm bơm… được xây dựng với tổng khối lượng đào đắp lên tới 102.000 m3.
Cùng với việc hiến đất canh tác để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, 28 hộ dân trong xã còn tình nguyện hiến 1.270 m2 đất thổ cư để chỉnh trang khu dân cư, mở rộng đường làng. Sự hy sinh đó của bà con thật đáng quý, đáng trân trọng, bởi tất cả các hộ hiến đất đều là hộ có đất ở mặt đường, giá trị mỗi m2 đất rất cao (giá thị trường khoảng trên 1 triệu đồng). Và để hiến được đất, họ còn phải “hy sinh” rất nhiều công trình như tường vây, cổng, bể nước ăn, khu vệ sinh… Sau khi phá đi để hiến đất, lại phải bỏ tiền xây lại những công trình đó, có nhà đã tốn đến cả chục triệu đồng. Tổng cộng, bà con đã hiến gần 700 m2 tường vây, 12 cổng, 9 bể nước ăn, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng, và cũng chừng ấy tiền nữa để xây lại. Nhìn đoạn đường đã được mở rộng do dân hiến đất, thấy không kém gì một đoạn phố, nhà cửa cũng được quy hoạch lại gọn ghẽ hơn. Lãnh đạo xã cho biết, từ tấm gương của 28 hộ trên, một cuộc vận động dân hiến đất để chỉnh trang làng xóm trong toàn xã cũng đang được phát động. Chỉ cần dân hiến đất là xã sẵn sàng đầu tư làm đường.
Nhờ được dân đồng thuận, nên chương trình xây dựng mô hình NTM ở Hồng Minh có những bước tiến khá nhanh so với những địa phương khác. Tổng dự án đã được duyệt cho mô hình là 48,7 tỷ đồng, mới chỉ hai năm đã thực hiện được 19,3 tỷ đồng. Nếu tính cả giá trị của 20,5 ha đất canh tác, 1.270 m2 đất thổ cư do dân hiến, trên 30.000 ngày công đào đắp 102.000 m3 đất, thì giá trị của các dự án đã thực hiện lên tới trên 45 tỷ đồng. Đây quả là một con số có ý nghĩa, khi người dân hiểu được rằng xây dựng NTM là xây dựng cho chính họ.
Thanh Vũ