Sau hơn 3 tháng thí điểm, hoạt động hòa giải, đối thoại tại Hà Nội đã đạt được kết quả ban đầu khả quan với tổng số hơn 2.100 vụ việc thành công, đạt 68% tổng số vụ việc đã tiếp nhận. Với kết quả này, Hà Nội được đánh giá là đơn vị đi đầu trong số 15 tỉnh, thành phố được Tòa án nhân dân Tối cao thí điểm tổ chức hoạt động Trung tâm hòa giải, đối thoại.
Thực hiện kế hoạch thí điểm tổ chức hoạt động Trung tâm hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân Tối cao, đầu tháng 11/2018, Hà Nội đã triển khai thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân 15 quận, huyện và tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Các Trung tâm này được giao nhiệm vụ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết.
Tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, Tòa án 2 cấp thành phố Hà Nội còn lựa chọn 85 hòa giải viên, đối thoại viên là những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu, nhiệt tình, có trình độ pháp luật cao, có quá trình công tác tại các cơ quan tố tụng. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng và quan trọng hơn cả là có sự nhạy bén, khéo léo, cùng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Theo đánh giá, trong số hơn 2.100 vụ việc hòa giải, đối thoại thành, án hôn nhân gia đình có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất; án kinh tế, dân sự, hành chính có tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành thấp hơn. Nguyên nhân do các vụ án dân sự thường là những tranh chấp có tính chất phức tạp, khó triệu tập đương sự lên làm việc hoặc không hợp tác. Các vụ việc kinh doanh thương mại thường liên quan đến khối tài sản lớn, ở nhiều nơi nên rất khó khăn cho hòa giải viên trong quá trình hòa giải. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, việc mời UBND hoặc các cơ quan hành chính đến đối thoại còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Trần Thị Phương Nga (Hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải, đối thoại - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) cho biết: Quá trình giải quyết vụ việc đã phát hiện nhiều trường hợp người dân chưa đủ cơ sở pháp lý để tiến hành khởi kiện nhưng vẫn làm đơn khởi kiện ra Tòa, gây quá tải trong giải quyết các vụ tranh chấp tại Tòa án. Đối với những trường hợp này, các hòa giải viên đã giải thích pháp luật, giúp các đương sự nắm rõ hơn những căn cứ pháp lý, nhận thức được sự đúng - sai trong vụ việc của họ, cân nhắc kỹ các yếu tố được - mất về kinh tế, thời gian, những tổn thất khác… khi khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Nhờ vậy, sau khi được nghe giải thích, nhiều trường hợp đã tự nguyện rút đơn khởi kiện, góp phần tăng số lượng các vụ việc hòa giải, đối thoại thành công.
Để tìm hiểu và mở được những "nút thắt" trong giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên, đối thoại viên của Trung tâm đã vận dụng nhiều bí quyết, kinh nghiệm lâu năm trong nghề, phân tích, vận dụng các quy định pháp luật, từ đó thêm cơ sở để hòa giải thành công các vụ tranh chấp, khiếu kiện, góp phần giảm tải cho công tác xét xử tại Tòa án 2 cấp.
Ông Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại đánh giá: Với thành công bước đầu này, Trung tâm hòa giải, đối thoại của Tòa án 2 cấp thành phố Hà Nội đang từng bước hoàn thành mục tiêu giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, giúp giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế và số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.
Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng kỳ vọng, sau thời gian thực hiện thí điểm Trung tâm hòa giải, đối thoại, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, tổng hợp các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung và xem xét thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại.