Chia sẻ về những trở ngại đối với phụ nữ khi làm khoa học và đề xuất một số ý kiến để phần nào giúp chị em vượt qua khó khăn, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Thị Trân Châu (ảnh), Chủ tịch Hội Nữ trí thức cho rằng: Nên tạo cơ hội vào thời điểm thích hợp để phụ nữ có thể đón nhận cơ hội đó dễ dàng.
Thưa Giáo sư, nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ làm khoa học thì vất vả hơn nam giới gấp bội. Là người trong cuộc, bà có suy nghĩ gì về điều này?
Đối với phụ nữ làm khoa học, bên cạnh những khó khăn mà nam giới cũng gặp, thì chị em còn phải đương đầu với những rào cản mang tính đặc thù từ phía bản thân, từ đặc điểm của giới. Đó là: Thực hiện chức năng của người mẹ, người vợ trong gia đình.
Để làm khoa học cần có sự đam mê, quyết tâm cao, kiên trì và biết sắp xếp mọi việc một cách khoa học. Khi đã xem việc nghiên cứu là quan trọng, thì các việc khác phải được đặt sau. Đây không phải là một việc dễ đối với nhiều chị em, vì đa phần phụ nữ có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình, con cái, lại hay quá cầu toàn trong việc nhà.
Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến cơ hội tiến bộ của phụ nữ là “cửa ải” mà phần lớn phụ nữ phải trải qua: Mang bầu và sinh con. Nếu sinh hai con mà con cái không ốm đau thì mất ít nhất vài ba năm không có nhiều thời gian tập trung cho công việc (ngoại trừ số ít trường hợp). Nghề làm khoa học thì phải luôn cập nhật những thành tựu mới, nếu không thì sẽ bị lạc hậu. Một người làm khoa học mà bỏ bẵng đi hai, ba năm thì “mất đà” với công việc, sẽ tác động không nhỏ tới năng suất và hiệu quả nghiên cứu và khó đạt được những kết quả tốt trong nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học nói riêng và lĩnh vực lao động sáng tạo nói chung đòi hỏi đầu óc người làm nghiên cứu phải thanh thản. Có thanh thản mới thuận lợi cho việc sáng tạo. Tuy vậy, bản tính của người phụ nữ là hay lo toan nhiều việc, nhiều lúc đang làm nghiên cứu, mà những rắc rối, công việc nhà vẫn luẩn quẩn trong đầu. Bên cạnh đó, sức chịu đựng của phụ nữ đối với những điều gièm pha, ý kiến không thiện chí dường như cũng kém hơn so với nam giới. Chính những điều đó cũng ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu.
Tôi đã dạy đại học nhiều năm, đối với sinh viên ngành sinh học, nữ thường chiếm phần lớn trong số 5 hoặc 10 em giỏi nhất lớp, giải thưởng khoa học sinh viên cũng có nhiều nữ. Nhưng sau khi lập gia đình, nữ cán bộ khoa học ngày càng vắng bóng dần trong các hội nghị khoa học. Tôi cứ nói đùa là: Những ngôi sao lấp lánh ngày nào đã vội tắt trên bầu trời khoa học. Có lẽ bước ngoặt quan trọng đối với hầu hết các em sinh viên nữ là sau khi lập gia đình. Với đức tính hy sinh lớn, nhiều người phụ nữ đã tự nguyện rút lui, hy sinh sự nghiệp để người bạn đời của mình tiến lên. Khi có con lại tự giác hy sinh cho sự nghiệp của con.
Hiện nay, điều kiện làm việc có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây, nhưng một trở ngại nữa đến từ chính bản thân người phụ nữ là sự tự ti, nhiều chị tự ti nên không đăng ký đề tài nghiên cứu. Theo tôi, tất nhiên, không cần phải "nhón gót" nhưng lúc nào cũng cần đặt một cái đích cao hơn mình một chút, để mà cố gắng tiến lên. Làm khoa học không vì danh mà vì khát khao tìm hiểu, khám phá những bí ẩn, những cái mới trong tự nhiên để cải thiện cuộc sống, phục vụ xã hội. Lúc nào cũng phải vươn lên, nhưng cũng phải biết hài lòng với những gì mình có, thì mới đạt được sự thanh thản và niềm vui trong cuộc sống. Nhà khoa học phải chấp nhận sống giản dị, không xa hoa.
Thưa Giáo sư, bên cạnh những khó khăn mang tính chủ quan, xuất phát từ chính bản thân mỗi nhà khoa học nữ, có lý do khách quan nào khiến việc tham gia làm công tác khoa học của phụ nữ gặp khó khăn?
Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2000 - 2010, tỷ lệ nữ chủ trì các đề tài khoa học cấp nhà nước chiếm 20%. Thế là tiến bộ lắm rồi so với giai đoạn trước.
Định kiến giới trong xã hội hiện nay vẫn ít nhiều ảnh hưởng tới sự tham gia làm khoa học của phụ nữ. Chẳng hạn, nếu có hai người năng lực tương đương, thì hình như trong nhiều trường hợp nam vẫn được ưu ái hơn nữ. Tất nhiên vẫn có một số phụ nữ được mọi người tin tưởng và tín nhiệm, nhưng nhìn chung, hình như người ta vẫn có phần e ngại khi giao những nhiệm vụ chủ chốt cho phụ nữ. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan là vì phụ nữ gặp nhiều rào cản như đã nói ở trên, nhưng cũng một phần do định kiến giới. Còn theo tôi, phụ nữ làm chủ trì đề tài khoa học, đa số có tinh thần trách nhiệm cao trong việc chi tiêu tiền của công, nên việc sử dụng kinh phí thường có hiệu quả.
Ở nước ta, trong các trường đại học, tỷ lệ lãnh đạo cấp khoa, cấp trường là nữ còn thấp. Nhiều đồng nghiệp của tôi, cả nam và nữ thường nói, làm lãnh đạo không phải vì “ham chức”, nhưng thực tế cho thấy hình như việc nhà khoa học (nam cũng như nữ), khi kiêm các chức vụ lãnh đạo trong trường đại học, viện nghiên cứu thì có thể giúp cho hoạt động khoa học của bản thân, của đơn vị trôi chảy hơn!?
Giáo sư có đề xuất nào để chị em góp mặt nhiều hơn trong công tác nghiên cứu?
Lập gia đình là một bước ngoặt đối với phụ nữ, vì vậy chúng tôi nghĩ, nên tạo cơ hội sớm cho phụ nữ khi họ còn rảnh rỗi. Vừa học xong đại học, em nào giỏi thì nên tạo điều kiện hỗ trợ để có thể học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên ưu tiên việc đào tạo lại cho phụ nữ vào những thời điểm thích hợp để chị em có thể đón nhận cơ hội đó dễ dàng, tận dụng được cơ hội đó. Chẳng hạn, khi người phụ nữ mới sinh con đầu lòng được 3 tuổi và chưa có kế hoạch sinh tiếp, thì vào thời điểm này nên bố trí cơ hội đào tạo cho người đó. Tránh trường hợp trao cơ hội kiểu “đánh đố” chị em, ví dụ cử chị em đi học khi người ta mới sinh con chưa đầy một tháng. Kiểu trao cơ hội như thế quả thật là khó! Mặc dù, cũng có người vì quyết tâm mà vẫn cố sắp xếp để đi học, nhưng như vậy cũng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con nhỏ.
Vấn đề quan trọng nữa là xem xét lại tuổi về hưu đối với phụ nữ trí thức. Tình trạng hiện nay là: Ở trình độ chuyên môn càng cao thì tỷ lệ nữ càng thấp. Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư nữ khá thấp, trong số 100 Giáo sư chỉ có 5 người là nữ! Việc quy định nữ trí thức về hưu sớm hơn nam 5 năm có ảnh hưởng lớn tới lực lượng nữ có trình độ chuyên môn cao. Vì quy định này cũng ảnh hưởng tới tuổi đề bạt chị em vào các vị trí công tác chuyên môn. Đã có không ít trường hợp chị em ngại phấn đấu tiếp tục chỉ vì sắp đến tuổi về hưu.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Mạnh Minh (thực hiện)