Hiểm họa từ thói quen đốt đồng

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Riêng tại Sóc Trăng diện tích thu hoạch đạt trên 100 ngàn ha, bằng 75% diện tích xuống giống. Với thói quen đốt đồng sau khi thu hoạch, có những đoạn quốc lộ, tỉnh lộ, khi người dân đi qua phải nín thở vì khói.

Cũng như những vụ lúa trước, vừa thu hoạch xong mấy ha ruộng, ông Thạch Huông ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) lại tất bật chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Vì muốn quay vòng nhanh, chuẩn bị ruộng sớm để xuống giống tiếp vụ Xuân Hè nên ông Huông phải đốt hết rơm rạ mà máy suốt vừa nhả ra mấy ngày trước. Với 4 ha đất trồng lúa, ước tính có tới gần 40 tấn rơm rạ được đốt trên đồng. Theo ông Huông, đốt hết rơm rạ sau khi thu hoạch lúa sẽ giúp cho cánh đồng có thêm tro bổ sung dinh dưỡng cho đất mùa vụ tới. Hơn nữa rơm cháy hết còn giúp cho vụ lúa sau không bị ngộ độc hữu cơ khi rơm rạ chưa tiêu hủy hết.

Nên xử lý rơm bằng chế phẩm sinh học sau đó cày vùi đất lên, khoảng cách mùa vụ ít nhất phải 2-3 tuần trở lên mới làm vụ lúa tiếp theo. Nguồn: Internet


Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng bộ môn cây trồng, Khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ thì thực chất lượng tro đốt cũng như lợi ích từ đốt đồng mang lại cho nông dân không đáng kể so với tận dụng vào việc khác có hiệu quả hơn. Ông cho rằng: Với hơn 350.000 ha đất sản xuất lúa, mỗi năm tỉnh Sóc trăng thu về trên 1,9 triệu tấn lúa thì cũng tạo ra trên 2 triệu tấn rơm rạ. Phần lớn bà con chưa tận dụng hết rơm rạ này mà xem chúng là phế phẩm nên đốt bỏ. Hậu quả là khói lan tỏa khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Ở những nước tiên tiến đốt rơm rạ sau thu hoạch cũng có nhưng được kiểm soát chặt chẽ...

Hiện nay, áp lực mùa vụ và tình trạng thiếu nhân công lao động khiến phần lớn người trồng lúa ở Sóc Trăng xem rơm rạ là thứ bỏ đi. Điều này thật lãng phí khi rơm rạ có thể trở thành nguồn thức ăn tốt trong chăn nuôi, có thể “hái” ra tiền nếu sử dụng để làm nấm rơm như nhiều mô hình đã được áp dụng ở một số địa phương trong tỉnh, vừa có thu nhập, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Rơm rạ cũng là nguồn phân hữu cơ rất tốt phục vụ trở lại nông nghiệp và thân thiện với môi trường…Tuy nhiên, không thu được hết rơm rạ dưới ruộng sau mỗi vụ canh tác và xử lý nguồn rơm rạ này như thế nào là vấn đề đang đặt ra. Theo PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, bà con nên xử lý rơm bằng chế phẩm sinh học sau đó cày vùi đất lên, khoảng cách mùa vụ ít nhất phải 2-3 tuần trở lên mới làm vụ lúa tiếp theo.

TTXVN/ Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN