Hà Nội: Phòng cháy, chữa cháy gặp muôn cái khó

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu chung cư, khu công nghiệp của Hà Nội mọc lên san sát. Nhưng đi đôi với sự hào nhoáng là những ẩn họa về “bà hỏa” luôn rình rập. Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, bình quân hằng năm lực lượng này phải chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khoảng 200 vụ, với tổng thiệt hại ước khoảng 100 tỷ đồng.

Ý thức của người dân chưa cao

“Qua phân tích một số vụ cháy ở khu chung cư cao tầng thời gian vừa qua tại Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu do người giúp việc và người nhà không có kiến thức PCCC, như đun nấu không đúng nơi quy định, xả rác có tàn lửa nên gây cháy. Chính vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng PCCC Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến kiến thức phòng cháy tới cộng đồng dân cư”, ông Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết.

Lực lượng PCCC dập đám cháy tại một cửa hàng nội thất trên đường Nguyễn Khang(Hà Nội). Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Theo thống kê, Hà Nội có trên 360 công trình nhà cao từ 10 tầng trở lên, hệ thống thiết bị phòng cháy tại những tòa nhà cao tầng mới được trang bị khá đầy đủ. Tuy nhiên, người biết sử dụng những thiết bị này rất hiếm và kỹ năng phòng cháy của dân cư nơi đây cũng hoàn toàn “lờ mờ”. Chính vì vậy, khi gặp hỏa hoạn, cư dân tại tòa nhà cao tầng ít biết ứng phó, nên hoảng loạn dẫn tới thiệt hại sẽ lớn. “Đối với nhà cao tầng, biện pháp chủ yếu là phòng ngừa và tự chữa cháy là chính, do đó việc thiết kế thi công nhà cao tầng phải áp dụng chặt những quy chuẩn tự động chữa cháy, có thang thoát hiểm. Ngay như phương tiện chữa cháy hiện nay của lực lượng PCCC Hà Nội là thang cứu hỏa cao nhất chỉ lên đến 52 m, tương đương tầng 17. Việc trang bị thang cao 73 m cho xe cứu hỏa của Hà Nội là không khả thi vì xe rất nặng, cồng kềnh không thuận tiện với địa hình người đông ngõ hẹp. Vì thế, chỉ có thể trang bị thang cứu hỏa từ 53 m trở xuống", ông Nghi thừa nhận.

Còn theo lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, với sự phát triển nhanh về hạ tầng, các khu đô thị mới kéo theo sự phát triển của nhiều dịch vụ, hoạt động vui chơi có sử dụng các thiết bị bằng chất dễ cháy và tập trung nhiều người, sẽ rất dễ dẫn đến các sơ suất gây cháy và cháy lớn. Cộng với sự thiếu hiểu biết của người dân về phòng cháy thì những chung cư, nhà cao tầng, nơi tập trung đông người là điểm dự báo cháy có nguy cơ cao. Do đó, bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, lực lượng chức năng cần nâng cao kỹ năng phòng chống cháy tối thiểu cho người dân như việc không thắp hương gần chất dễ cháy, tắt điện khi không sử dụng thiết bị, đun nấu, đổ rác đúng quy định… xây dựng phong trào toàn dân tham gia, thực hiện công tác PCCC.

Nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, thiết bị

Chữa cháy tại khu dân cư tại Hà Nội đang gặp không ít trở ngại, nhất là hạ tầng về giao thông không theo kịp với sự gia tăng dân số, phương tiện. “Di chuyển trong nội đô sợ nhất vào giờ cao điểm, nhiều điểm ùn tắc khiến xe chữa cháy đến muộn gây bức xúc trong dư luận”, ông Nguyễn Đức Nghi cho biết, “đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho xe chữa cháy di chuyển, tiếp cận mục tiêu”. Bên cạnh đó, Hà Nội có 1.278 đường ngõ sâu trên 200 m phương tiện chữa cháy cơ giới không vào được. Một số tuyến đường, ngõ vào khu tập thể, khu dân cư… bị đóng cọc giữa đường để cấm ô tô, gây khó khăn lớn cho việc chữa cháy cứu hộ. Do đó, lực lượng cảnh sát PCCC phải dùng máy bơm đẩy nước để tiếp cận mục tiêu gây rất khó khăn cho công tác chữa cháy. “Từ việc nghiên cứu mô hình dùng xe chữa cháy cỡ nhỏ của TP.HCM, Sở đã báo cáo thành phố Hà Nội và Bộ Công an trang bị loại xe này cho các đội chữa cháy để thuận tiện vào các ngõ nhỏ khi có hỏa hoạn” ông Nghi cho biết.

Bên cạnh bất cập về hạ tầng, Hà Nội thiếu cả trụ cấp nước. Theo tiêu chuẩn chữa cháy thì cứ 150 m chiều dài đường, phố phải có 1 trụ cấp nước chữa cháy. nhưng hiện nay Hà Nội còn thiếu trên 5.000 trụ nước. Những tuyến phố chính tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu đông dân cư, nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng hóa chất, chất dễ cháy với mật độ cao - song chưa được đầu tư lắp đặt trụ nước chữa cháy như khu phố cổ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Cùng với đó, một số địa bàn được lắp đặt trụ nước nhưng áp lực nước yếu, không ổn định, thậm chí không có nước.

“Lo ngại nhất hiện nay về hỏa hoạn tại Hà Nội là các khu sản xuất, khu đông dân cư, các chợ, vũ trường, làng nghề... Những nơi này hệ thống trang bị thiết PCCC tại chỗ thường kém, trong khi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nếu xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để phòng ngừa, tới đây, Sở sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện, nhất là những nơi gây nguy cơ cháy nổ cao như các điểm bán xăng dầu, các điểm kinh doanh gas, các khu dân cư đông đúc... Đồng thời, Sở kiến nghị các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP phát hiện ra những nơi nguy hiểm dễ cháy để xử lý nghiêm, thậm chí dừng hoạt động”, ông Nghi cho biết. Được biết, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội hiện có 90 xe chữa cháy cùng một số xe cứu hộ, chở nước... nhưng số xe hoạt động tốt chỉ chiếm 40%, quá nửa còn lại đã trên 15 năm sử dụng. Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư sớm để công tác PCCC đạt hiệu quả cao hơn.

Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN