Là bệnh viện đầu ngành, chuyên tiếp nhận những bệnh nhân lao thể nặng của khu vực phía Nam, những nhân viên y tế của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) luôn phải đối mặt với nguy cơ có thể bị lây nhiễm bệnh. Thế nhưng, không một nhân viên y tế nào của bệnh viện nề hà với công việc nặng nhọc và nguy hiểm này của mình...
Môi trường lây nhiễm
Khoa Hồi sức cấp cứu, chăm sóc tích cực của bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân lao nặng nhất tới điều trị. Bệnh nhân của khoa thường ở trạng thái mê man, cần sự trợ giúp của máy móc và đây cũng là nơi dễ lây nhiễm bệnh nhất. Thế nhưng hàng chục bác sỹ, y tá của khoa lúc nào cũng túc trực ngày đêm, tận tâm chăm sóc bệnh nhân.
Điều dưỡng Hồng Loan đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm lao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. |
Trước khi vào trong khu vực phòng điều trị tích cực, điều dưỡng trẻ Nguyễn Hồng Loan đưa cho tôi hai chiếc khẩu trang và cẩn thận dặn: “Các khoa khác thì chỉ cần một khẩu trang, nhưng khi vào khoa này và đặc biệt là vào trong phòng chăm sóc đặc biệt, thì phải đeo 2 khẩu trang vì khả năng lây nhiễm rất cao”.
Nhẹ nhàng và ân cần, điều dưỡng Nguyễn Hồng Loan nâng một bệnh nhân đang mê man bất tỉnh dậy để vệ sinh cá nhân. Khi kiểm tra thấy đã ổn, cô lại nhẹ nhàng đặt bệnh nhân nằm xuống và đắp chăn lại cho họ. Hồng Loan cho biết: “Đây là công việc hàng ngày mà những điều dưỡng viên ở đây phải làm. Chúng tôi phải lau người và trở người thường xuyên cho bệnh nhân để bệnh nhân sạch sẽ và không bị hoại tử những chỗ như mông, lưng do nằm quá lâu. Không những thế, chúng tôi còn cho bệnh nhân ăn uống mỗi ngày”.
Do thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân, nên nguy cơ bị lây nhiễm bệnh của các nhân viên khoa là rất cao.Mới đây, một điều dưỡng viên của khoa đã bị lây nhiễm lao. Sau một thời gian điều trị, chị đã khỏi bệnh và trở về tiếp tục gắn bó với công việc.
Bệnh nhân là trên hết
Gần 4 năm làm việc trong môi trường được xem là có nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao và cũng từng chứng kiến đồng nghiệp của mình bị nhiễm lao, nhưng chưa bao giờ điều dưỡng Nguyễn Hồng Loan của khoa Hồi sức cấp cứu, chăm sóc tích cự, có ý định từ bỏ công việc này.
Hồng Loan tâm sự: "Mới đầu nộp hồ sơ vào học ngành y, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tìm một nghề để đảm bảo cho cuộc sống sau này. Thế nhưng, khi vào học chuyên môn, đặc biệt sau khi được tiếp xúc với công việc này, thì tôi nghĩ nó không phải là một nghề đơn giản, vì đây là nghề liên quan trực tiếp đến tính mạng của một con người, không cho phép chúng ta lơ là, lúc nào cũng phải coi mạng sống của bệnh nhân là trên hết".
Còn tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Phan Thượng Đạt, Trưởng khoa lao kháng thuốc của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đã có gần 20 năm trong nghề, trải qua nhiều khoa dễ lây nhiễm nhất của bệnh viện. Trên tinh thần chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân là trên hết, TS. BS Phan Thượng Đạt và tập thể khoa đã tham gia điều trị bệnh lao kháng thuốc ngay từ những ngày đầu tiên trong chương trình điều trị lao kháng thuốc. TS.BS Phan Thượng Đạt chia sẻ: “Khi triển khai chương trình này tại Việt Nam, ban đầu tôi cũng rất nản vì gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến nhiều bệnh nhân đang phải bỏ mạng vì lao kháng thuốc, nên tôi đã quyết tâm hơn để vượt qua những khó khăn ban đầu. Kết quả đã vượt quá sự mong đợi, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao kháng đa thuốc tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đạt 70 - 80%, trong khi đó trên thế giới tỷ lệ này được báo cáo rất thấp”.
Trao đổi về vấn đề y đức trong ngành y, điều dưỡng Loan cho biết: Chỉ có một bộ phận nhỏ đã làm ảnh hưởng xấu đến nghề cao quý này. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta "quy chụp" cho tất cả. Vẫn còn đó rất nhiều y bác sỹ âm thầm chăm sóc cho bệnh nhân.
“Sau mỗi một ca trực, tuy vất vả và mệt mỏi nhưng khi trở về nhà tôi lại cảm thấy mình rất hạnh phúc vì đã giúp đỡ được cho người bệnh vượt qua được nỗi đau và cùng họ chiến đấu giữa ranh giới sự sống và cái chết", điều dưỡng Loan chia sẻ.
Bài và ảnh: Đan Phương