Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được chú trọng hơn. Ứng phó với BĐKH nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp, đặt mục tiêu tiến tới phát thải ròng bằng “0”.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết, tại Hội nghị COP 26, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.
Do vậy, diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường; nêu cao vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các Công đoàn cơ sở giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Ông Dương Trung Thành, Chủ tịch công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Về phòng chống rác thải nhựa, nếu thế kỷ 20 là kỷ nguyên cách mạng của ngành nhựa khi sản xuất quá nhiều sản phẩm từ nhựa, thế kỷ 21 phải đối mặt với những hậu quả. Quản lý không đúng cách, thiếu thông tin về tác động tiêu cực của rác thải nhựa và việc sử dụng vô trách nhiệm cũng như việc xả rác các sản phẩm nhựa đã biến hành tinh này thành “hành tinh nhựa”. Vấn đề này không chỉ làm ô nhiễm hệ sinh thái trên cạn, mà còn làm ô nhiễm đại dương. Với tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm quản lý rác thải nhựa, xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ Chính phủ giao. “Các cán bộ, công đoàn viên Bộ Tài nguyên và Môi trường rất ý thức và hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa và đã có hành vi hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần (không dùng túi nilon tại siêu thị, chợ dân sinh; không dùng khay/cốc/bát/đũa/thìa nhựa khi ăn uống và sử dụng dịch vụ tiêu dùng tại cơ quan và các cơ sở dịch vụ; phân loại nhựa tại gia đình và chuyển cho các cơ sở/cá nhân thu gom để không hoà lẫn vào rác thải hộ gia đình…)”, ông Dương Trung Thành cho biết.
Về ứng phó biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu Net Zero, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH), thể hiện qua việc các hình thái thời tiết, thiên tai thời gian qua có nhiều diễn biến bất thường hơn và mức độ thiệt hại ngày càng khốc liệt hơn. Mặc dù là quốc gia đang phát triển, còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Việt Nam luôn chủ động thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế, cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH.
“Song song với các nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn… các tôn giáo, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại các địa phương, các vùng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các nội dung, phương thức truyền thông phong phú”, ông Dương Trung Thành thông tin.
Theo ông Đỗ Việt Đức, Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với chức năng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, trong đó có những quy định về bảo vệ môi trường, Tổng Liên đoàn Việt Nam đã tham gia xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường như nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường tính pháp chế và hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã ban hành Kế hoạch và tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, như tổ chức trồng cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong doanh nghiệp, đơn vị; cải tiến kỹ thuật, máy thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng và chất thải độc hại ra môi trường...
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bảo vệ môi trường; phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giữ gìn cảnh quan doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, theo ông Đỗ Việt Đức, năm 2023, trong tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày môi trường thế giới, công đoàn các cấp tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về tháng hành động vì môi trường hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới” với chủ để chống rác thải nhựa.
Nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của mình đã sáng tạo, đổi mới lựa chọn các hình thức thực hiện phù hợp như treo pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến các nội dung về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí tại các khu vực trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Nhiều thông điệp tuyên truyền, cụ thể hóa chủ đề hưởng ứng “Phục hồi hệ sinh thái” và “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, đoàn viên và người lao động về công tác bảo vệ môi trường, thói quen sinh hoạt, lối sống thân thiện với môi trường; Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên và được nhắc nhở thường xuyên như: “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và nilon”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; "Biến rác thải nhựa thành tiền"; "Đổi rác thải lấy cây xanh"; “Hãy tham gia với chúng tôi để chống lại ô nhiễm không khí”...
Năm 2023, các cấp Công đoàn đã tổ chức được 6 cuộc thi; in và phát hành 602.393 tờ gấp, khẩu hiệu, áp phích về công tác bảo vệ môi trường; có 11.583 buổi phát thanh truyền hình, chương trình tọa đàm, tập huấn, phổ biến kiến thức; có 3.279 bản tin, bài, phóng sự, lượt qua loa tại doanh nghiệp về bảo vệ môi trường để tuyên truyền đến 424.779 đoàn viên và người lao động.
Các cấp công đoàn tổ chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, cơ quan, nơi làm việc, khu vực công cộng, vệ sinh đường phố khu dân cư, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh được 1.794.121 km, đường giao thông, tại các điểm về môi trường được 899.032 km làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn.
Trong những năm qua, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ và các nhiệm vụ phục vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, như triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở phương pháp xác định bụi PM10 và PM2.5 trong không khí môi trường xung quanh bằng phương pháp trọng lượng.
Hoạt động giám sát về bảo vệ môi trường từng bước hoàn thiện ở các Liên đoàn Lao động địa phương và Công đoàn ngành đều đã thành lập các đầu mối quản lý môi trường nhằm góp phần nâng cao năng lực giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
“Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Huy động và tăng cường nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động”, ông Đỗ Việt Đức cho biết.