Du khách hái dâu tây công nghệ cao Nhật Bản tại Đà Lạt. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Để hiểu rõ hơn về Cách mạng công nghiệp 4.0, tìm hiểu những cơ hội và thách thức, cũng như những giải pháp làm sao để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông đánh giá như thế nào về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khác biệt lớn nhất của cuộc cách mạng này so với 3 cuộc cách mạng trước đó là gì? Cho đến nay, thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với động cơ thủy lực và hơi nước. Cuộc cách mạng lần thứ hai là động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. Cách mạng công nghiệp lần này là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo.
Trước hết, sự khác biệt của công nghiệp 4.0 đối với các cuộc công nghiệp trước là ở tốc độ, quy mô và phạm vi tác động. Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực và tới tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần này mang lại sự thay đổi rất mạnh về năng suất, quy mô và mô hình quản lý.
Thứ ba, các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây hướng tới sử dụng hiệu quả năng lượng, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần này tìm ra nguồn năng lượng mới và hướng tới khai thác hiệu quả nhất nguồn năng lượng này.
Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam?
Cũng như các quốc gia khác, công nghiệp 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức, nhưng với Việt Nam thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội.
Về cơ hội, Việt Nam là nước đi sau nên có thể là cơ hội để “đi tắt đón đầu”. Nếu như chúng ta có thể tận dụng cơ hội này, bỏ qua một số giai đoạn phát triển khác thì chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian so với các nước. Bên cạnh đó, nhân cơ hội từ công nghiệp 4.0, Việt Nam có thể thay đổi mô thức quản lý, mô thức phát triển nền kinh tế. Nếu sự thay đổi này đi đúng hướng thì Việt Nam có thể có cơ hội bứt phá được.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là trong các lĩnh vực: công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách và hạ tầng. Cụ thể, về công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều nên sẽ tiếp cận rất khó khăn với công nghiệp 4.0.
Về nguồn nhân lực, trình độ nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa cao và sẽ rất khó khăn khi phải tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ. Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần có những đòi hỏi nhất định để kết nối với công nghiệp 4.0. Như vậy, chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều thách thức.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hoàn toàn không có lợi cho các nước vốn có lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ; trong đó có Việt Nam. Xin ông phân tích rõ hơn về điều này?
Một trong những trụ cột của công nghiệp 4.0 là nguồn lao động. Việt Nam hiện có lực lượng lao động có trình độ ở mức vừa phải và số lượng lớn ở các ngành như dệt may và điện tử. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam sẽ là nước là nước chịu nhiều tác động nhất trong lĩnh vực lao động ở khu vực. Cụ thể, hơn 80% lực lượng lao động của Việt Nam có nguy cơ bị thất nghiệp. Chính vì vậy đây là thách thức rất lớn.
Thưa ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động lớn nhất đến những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nào của Việt Nam? Công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế tuy nhiên mức độ ảnh hưởng với từng ngành sẽ khác nhau. Ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành thâm dụng lao động như may mặc, điện tử. Đây là các ngành có số lượng công nhân lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn lao động nên sẽ nhiều thách thức khi mà tự động hóa ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 cũng mang lại cơ hội cho nhiều ngành khác ví dụ như du lịch. Ngành du lịch có thể tận dụng được cơ hội như thông qua du lịch thông minh, internet vạn vật.
Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị gì để đón cơ hội, vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần này?
Thứ nhất, Việt Nam cần chuẩn bị về hạ tầng, hạ tầng công nghệ thông tin, intertnet, kết nối băng thông 4G, 5G…. Thứ hai, Việt Nam cần rà soát lại chính sách hiện có để có thể tận dụng công nghiệp 4.0. Hiện các bộ ngành đã có chính sách nhất định liên quan đến công nghiệp 4.0 mặc dù không trực diện nhưng đã có triển khai… Các bộ ngành cần có sự chuẩn bị cụ thể và chủ động hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ ba, Việt Nam cũng cần có chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp sáng tạo và coi doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển.
Thứ tư, Việt Nam cũng cần thay đổi về chính sách đào tạo nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến đại học làm sao để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao thích ứng với công nghiệp 4.0.
Ông đánh giá như thế nào về chuyển động của các doanh nghiệp cũng như các bộ ngành ở Việt Nam trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0?
Hiện trong các bộ ngành có sự chuẩn bị khác nhau. Đã có bộ, ngành chuẩn bị tương đối kỹ và thấu đáo như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành chưa chuyển động được nhiều và đang nghiên cứu triển khai để có ứng xử cho phù hợp.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã kiến nghị với Thủ tướng giao cho các bộ, ngành chủ quản có nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và các công nghệ liên quan đến 4.0, từ đó có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo ông, vấn đề chính sách, nền tảng hạ tầng, nhân lực của Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng này chưa?
Về mặt chính sách chúng ta đã có các chính sách nhưng có thể chưa trực diện nhưng liên quan rất nhiều đến công nghiệp 4.0. Cụ thể, như Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, Đề án Số hóa của Bộ Thông tin truyền thông, Chương trình đổi mới công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, và các chỉ thị của các cấp cao hơn.
Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, các bộ, ngành sẽ rà soát lại và đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch và chiến lược cho phù hợp với từng bộ, ngành.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao đầu mối chủ trì và phối hợp với mội số bộ ngành để triển khai Chỉ thị 16-CT/TTg. Ông có thể cho biết cụ thể về các công việc đang được triển khai?
Theo Chỉ thị 16, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục thúc đẩy đề án sáng tạo khởi nghiệp. Hiện đề án này đang triển khai tích cực tạo sân chơi cho hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ thực hiện Đề án Tri thức việt số hóa vừa trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt trong tháng 5; tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu phát triển đổi mới công nghệ thông qua các chương trình quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương để triển khai thí điểm một số mô hình. Cụ thể, như phối hợp với Bắc Ninh xây dựng thành phố thông minh, phối hợp với Hà Nam xây dựng nông nghiệp công nghệ cao…
Xin cảm ơn ông!