Từ nguyên nhân mắc và tử vong bệnh tay chân miệng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các sở y tế, các trung tâm y tế và các bệnh viện có trách nhiệm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng để đến tháng 9/2012, giảm 50% tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng. Bộ trưởng cũng khẳng định việc giảm tỷ lệ tử vong điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của các bác sĩ điều trị Việt Nam. Theo Bộ trưởng muốn làm được điều đó, trước hết công tác tuyên truyền vận động ưu tiên nhóm trẻ dưới 3 tuổi và nhóm trẻ gia đình thay vì nhóm trẻ 5 tuổi và các cơ sở mẫu giáo như trước kia. Yêu cầu công tác truyền thông, tập trung vào đối tượng các bà mẹ, người trực tiếp chăm nuôi trẻ thực hiện ăn chín uống sôi cho trẻ, chú ý giải pháp rửa tay trước khi ăn cho trẻ, và người cho trẻ ăn; vệ sinh đồ chơi, sàn nhà hàng ngày cho trẻ.
Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Để thực hiện giảm tỷ lệ tử vong, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở y tế phải chấn chỉnh ngày những tồn tại, như: tập huấn lại các bác sĩ, y tá, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhi tay chân miệng. Đặc biệt giám đốc các bệnh viện cần siết chặt và bố trí kíp trực nhất là kíp trực đêm và ban giao ca. Đây là những thời điểm có tỷ lệ tử vong rất cao do thiếu sự giám sát của kíp trực, nhất là các điều dưỡng cũng như bàn giao diễn biến cụ thể từng ca bệnh. Đề nghị mỗi bác sĩ bố trí kèm theo 03 điều dưỡng và thường xuyên tập huấn cho đội ngũ này phác đồ điều trị, cách điều trị chăm sóc...bệnh nhân tay chân miệng. Bên cạnh đó, đối với những bệnh nhân nhi mắc bệnh tay chân miệng thì chế độ dinh dưỡng của các khoa tiết chế tại bệnh viện cần được quan tâm để nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận: Đến thời điểm này, chân tây miệng là một bệnh nặng, diễn biến phức tạp, không điển hình và bất thường. Tỷ lệ tử vong rất cao, nhất là đối với chủng EV71 và diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng 48 giờ, khó chẩn đoán và điều trị và tình hình này không chỉ xẩy ra ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Sau khi 12 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và 03 Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng Đoàn cùng các bộ, ngành liên quan kiểm tra tình hình dịch tay chân tình hình dịch tay chân miệng tại một số tỉnh thành phố trọng điểm và diễn biến dịch tay chân miệng từ đầu năm 2012 đã kết thúc vào ngày 5/4/2012. Đến nay đã có 10/63 tỉnh, thành phố phát động chiến dịch phòng chống dịch tay chân miệng đến tận huyện, xã theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn lại hơn 50 tỉnh thành phố chuẩn bị triển khai trong tháng 4 và tháng 5/2012. Tuy nhiên vai trò của lãnh đạo các địa phương, các ban, ngành đoàn thể nhất là các cấp hội phụ nữ và các nhân viên y tế thôn bản, ...chưa thật sự bám sát từng hộ dân để tuyên truyền hướng dẫn và phát hiện dịch bệnh tay chân miệng. Hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp là một trong 10 địa phương trọng điểm về số người mắc dịch tay chân miệng và dẫn đầu số ca tử vong (An Giang 04 ca, Đồng Tháp 02 ca) từ đầu năm đến nay nhưng có sở vật chất, trang thiết bị và mặt bằng điều trị dành cho công tác này còn hết sức khiêm tốn. Như tỉnh An Giang chỉ có 04 máy thở tại phòng cấp cứu nếu xảy ra dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết làm khó có thể đáp ứng được công tác cấp cứu. Hay tỉnh Đồng Tháp, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, nhất là sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra dịch chưa thật sự vào cuộc mà chủ yếu do y tế đảm nhiệm; khu cách ly tại bệnh viện đa khoa Đồng Tháp chưa hợp lý; tại nhà trẻ mẫu giáo ở Bình Thạnh với 300 cháu chỉ có 02 khu rửa tay nhưng nước chảy rất yếu thậm chí không chảy nước? Trong khi nguồn phân thải ra ngoài nhất là của các cháu mắc bệnh chưa được quản lý...đây là nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên yêu cầu: Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tiếp tục cập nhật, hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng; tổ chức tập huấn về chuyên môn, chỉ đạo 5 đơn vị huấn luyện điều trị tay chân miệng; khẩn trương hoàn thiện các chương trình, tài liệu huấn luyện cơ bản và nâng cao, để tổ chức huấn luyện các bác sĩ, điều dưỡng các tỉnh đã được phân công phụ trách, giúp các tỉnh có đủ năng lực triển khai các đơn nguyên hồi sức tích cực tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh. Thứ trưởng đề nghị Vụ Bảo hiểm Y tế phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổng hợp, xem xét những nội dung liên quan đến bảo hiểm y tế, để Bộ Y tế có cơ sở làm việc với BHXH, nhằm thống nhất trong việc thanh toán điều trị, khám chữa bệnh cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tuổi (hiện đang được ngân sách Nhà nước chi trả toàn bộ). Đối với các bệnh viện tuyến cuối được giao nhiệm vụ huấn luyện, điều trị tay chân miệng, trong Quyết định số 1047 ngày 30/3/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phân công nhiệm vụ tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật điều trị cho các tỉnh, phân công rất cụ thể, như bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ 16 tỉnh, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ 12 tỉnh, bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ 3 tỉnh, bệnh viện Nhi Đồng 1 hỗ trợ 13 tỉnh, bệnh viện Nhi Đồng 2 hỗ trợ 13 tỉnh, bệnh viện Nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh hỗ trợ 5 tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết: dựa vào các đề xuất, kinh nghiệm của các bệnh viện tuyến cuối và Hội đồng chuyên môn - những chuyên gia có hiểu biết sâu về bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ Điều trị bệnh tay chân miệng, vào ngày 30/3/2012; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Nhi tại địa phương thiết lập các đơn nguyên hồi sức tích cực điều trị và xây dựng phương án thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh trong trường hợp bệnh tay chân miệng bùng phát. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cần báo cáo UBND tỉnh nhằm kịp thời bổ sung thiết bị, thuốc… đảm bảo yêu cầu điều trị trên địa bàn. Đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Nhi tuyến tỉnh phải tiếp tục tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối. Hơn ai hết chính quyền địa phương và mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe tính mạng con em mình và người dân sinh sống trên địa bàn.
Nhật Minh