Xứ Nghệ đẹp không chỉ có “non xanh nước biếc” mà xứ Nghệ đẹp, thanh tú vì còn có những phong tục tập quán lâu đời. Nó làm thành bản sắc văn hóa riêng không thấy có ở vùng quê nào.
Trong những nét văn hóa có bản sắc riêng ấy là phong tục uống nước chè xanh: “Bát chè xanh nặng tình làng xóm”.
Chè xanh ở đây không phải là thứ chè trồng ra để hái đọt non sao tẩm thành trà. Cũng là chè xanh nhưng giống cây chè này có tự lâu đời, người ta trồng để hái cành. Ở những vùng “non xanh” người ta trồng chè thành từng đồi, chạy men theo triền sông Lam. Nổi tiếng các vùng chè như chè Gay (Tào sơn), chè chợ Dừa (Hội Sơn) Anh Sơn, chè Thanh Lâm (Thanh Chương). Ngày xưa trên sông Lam từng thuyền chè đầy ắp nối đuôi nhau xuôi dòng về Cửa Hội. Tiếng hát đò đưa theo nhịp chèo âm vang sông nước. Ngoài những vùng chè nổi tiếng, ở miền quê nào, nơi cao ráo nào người ta cũng trồng chè. Chè xanh không thể thiếu được trong đời sống con người. Chè không phải là thứ cây thu hoạch theo mùa vụ như những loại cây trái khác. Mùa nào người ta cũng cắt hái chè phục vụ đời sống hàng ngày. Không sao tẩm, chế biến, chè cứ thế dùng tươi. Chè càng tươi càng ngon.
Cách nấu nước chè cũng rất công phu. Chè phải là chè thật tươi, mới hái, cành nhỏ, lá dày. Nếu chè non, lá mỏng nấu nước lên sẽ đỏ, uống vào không có vị thơm, chát. Ở Thanh Hóa người ta hái lá chè để nấu nước, còn xứ Nghệ thì để nguyên cả cành thế. Người ta chỉ bỏ bớt những cành to, những lá sâu, lá vàng. Nước chè ngon nhất là nấu bằng ấm đất. Nước sôi, mở vung ra đã nghe mùi thơm lan toả. Nếu chè xanh mà dùng ấm đồng, nồi nhôm thì mất đi hương vị nhiều lắm.
Cách nấu nước cũng rất công phu. Củi phải không nỏ, tốt nhất là nủi nè (cành tre). Khi nước sôi gần được người ta phải hãm nước để giữ cho nước xanh. Nấu nước chè mà không biết cách hãm, nước sẽ đỏ bầm, vị đắng, không giữ được mùi hương. Bát nước chè xanh ngon là phải có màu xanh sóng sánh, vị thơm nhè nhẹ lan tỏa. Khi uống phải uống nóng, đầu tiên có vị chát sau đó có dư vị ngọt ngào đọng mãi nơi đầu lưỡi, nó như có men say, làm cho người uống sảng khoái, ngây ngất.
Nhưng điều đáng nói nhất là cách uống nước chè có một không hai. Đó là uống tập thể. Uống nước chè xanh không ai ngồi uống một mình. Mà bao giờ cũng thế khi chè đã chín, nước được cho ra bát, người ta gọi mời nhau đến uống. Chủ nhà không đến từng nhà để mời mà đứng ngay trước sân gọi to lên mời nhau đến uống. Mấy phút sau cả xóm nhỏ tụ tập, ít ra cũng 5,7 người. Câu chuyện tâm tình quanh ấm nước. Chuyện trong làng ngoài xóm trao đổi với nhau, làm cho mọi người gần gũi, tình làng nghĩa xóm gắn bó đậm đà. Hương vị chè xanh cứ thế tỏa thơm làm cho lòng người say say, tâm hồn như bay bổng lên. Cũng bên ấm nước chè xanh nguời ta truyền cho nhau cách làm ăn, thông tin cho nhau biết chuyện đồng áng, chuyện nước non. Cũng có lúc là câu chuyện tiếu lâm cười như bể xóm. Cứ thế sau bữa cơm trưa hay lúc đêm về cả xóm cứ í ới gọi mời nhau uống nước. Tiếng gọi ấy cách xa nhau ba, bốn trăm sải tay vẫn nghe được. Tiếng gọi mời nhau uống nước ấy âm vang biết bao nhiêu tình quê! Nó gợi ra khung cảnh đầm ấm thanh bình. Làng xóm sống với nhau bằng tình nghĩa. Tiếng gọi ấy tha thiết chân thành như là tiếng của hồn vía làng quê. Những ngày xa quê trong lòng tôi nhớ đến nôn nao tiếng gọi thân thương ấy. Phong tục uống nước chè xanh như thế khó mà xác định có từ thời nào chỉ biết có từ lâu rồi, truyền từ đời này sang đời khác trở thành một nét văn hóa của con người xứ Nghệ.
Thế nhưng gần đây cuộc sống làng quê thay đổi. Đời sống khá giả hơn. Nhà cao tường kín. Cánh cửa sắt nặng trịch khép kín cổng cả ngày. Tiếng gọi mời nhau uống nước bắt đầu thưa vắng. Nhà ai biết nhà ấy!... Tôi bỗng nhớ tiếng í ới gọi mời nhau uống nước những ngày. Tiếng gọi tha thiết âm vang. Ấy là cái âm thanh thiêng liêng của tình quê, cái âm thanh gọi hương vị chè xanh lan tỏa.
Đặng Đình Xiển