Nói là chợ phiên Quảng Ngạn ngày Tết nhưng chợ thu hút rất đông người dân của các xã lân cận như Điền Hải, Quảng Công vượt sóng nước Tam Giang về đây tụ hội. Đây là phiên chợ độc đáo của xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ít nơi nào có được. Bởi vì, chợ chỉ diễn ra trong 3 ngày Tết (từ mồng một đến mồng ba Tết Nguyên Đán), rồi tan và chờ đến dịp này năm sau mới họp lại.
Chợ phiên Quảng Ngạn chỉ diễn ra trong 3 ngày Tết. Ảnh: thanhnien.com.vn
|
Từ sáng sớm tinh mơ, người dân vùng ven phá Tam Giang đem theo hàng hóa là những sản vật nông nghiệp, ngư nghiệp ra chợ bán. Có mặt trong buổi chợ, ông Nguyễn Khôi, một người dân ở đây giải thích: Phiên chợ ngày Tết ở xã Quảng Ngạn khác ngày thường ở chỗ, người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả vì mục đích của cả người bán lẫn người mua đều cầu tài, cầu lộc cho đầu năm mới, mua may, bán may, mưa thuận, gió hoà, đón một năm mới an lành.
Theo quan sát, có lẽ thu hút nhất là mặt hàng trầu cau; bởi theo suy nghĩ của nhiều người, đầu năm đi chợ mua lá trầu là mua cái lộc đầu Xuân. Đi khắp chợ, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà mẹ, bà mệ vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa mời khách. Chẳng vậy mà, khắp các vùng quê ở Huế, vào ngày Tết nếu nhỡ không may con cái trong nhà đi chợ mà quên mua cau trầu thì những người già không khỏi buồn lòng. Cau trầu ở Huế được bán theo mớ, cứ 20.000 đồng cho 5 quả cau kèm theo 5 lá trầu đã được quệt vôi. Chị em nội trợ khi cầm giỏ đi chợ ai ai cũng nhắc nhau nhớ phải mua một vài quả cau, dăm miếng trầu.
Tục nhai cau trầu ở cố đô có từ bao đời nay, trong cúng giỗ, miếng cau miếng trầu là lễ vật dâng lên người đã khuất, trong cưới hỏi những quả cau tròn có dán hai chữ "song hỷ" là sính vật chứng dám tình yêu. Và ngày Tết về "miếng cau, miếng trầu là đầu câu chuyện" của biết bao cuộc hàn huyên đầu xuân. Hàng bán đồ chơi cũng là nơi thu hút trẻ em tập trung rất đông, cố chen lấn để chọn cho mình món đồ chơi ưng ý trong ngày đầu năm mới. Không khí chợ phiên Quảng Ngạn vui như hội. Người người đi chợ đều ăn mặc đẹp, gặp nhau chào hỏi râm ran, và không quên gửi cho nhau vài câu chúc Tết an lành, năm mới phát tài.
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền giải thích: Chợ phiên Quảng Ngạn thường họp rất sớm, bắt đầu từ 5-6 giờ sáng và kết thúc khoảng 10 giờ; và lặp lại như vậy trong 3 ngày Tết. Người bán đến với phiên chợ đầu năm muốn tìm cho mình được chỗ ngồi đẹp, còn người mua thì ai cũng muốn tìm mua cho mình được những món hàng tươi và nhanh chóng được ra về để đi thăm và chúc tết bà con làng xóm. Đây là phiên chợ có đủ các lứa tuổi tham gia, từ các cụ già, đến các bậc trung niên, các cặp nam thanh nữ tú và các cháu thiếu nhi đều tìm đến với ngôi chợ này, trở thành nét đẹp văn hóa đầu năm mới ở một vùng quê sông nước.
Tương tự, ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chợ vào ngày mồng 1, mồng 2 Tết, tại một cồn cát cách khu chợ thường ngày khoảng 1.500m, nên còn gọi là chợ Cồn. Còn tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang có chợ Gia Lạc cũng họp trong thời gian những ngày Tết và đều bán những sản vật là hàng nông sản. Riêng chợ Gia Lạc hình thành cách đây khoảng 200 năm và bày bán nhiều đặc sản của các địa phương như bún bò, bánh bèo, bánh phu thê (su sê), kẹo mứt, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần. Lại có những chợ như chợ Dinh chuyên bán cau Nam Phổ mà thành nổi tiếng trong dân gian: