Tìm mô hình quản lý di sản thế giới

Kể từ năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế trở thành Di sản văn hóa thế giới, tính đến nay Việt Nam đã có tổng cộng 7 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO vinh danh. Những di sản này đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nhưng nhìn một cách tổng thể, dù đã đạt được một số kết quả khả quan, song công tác quản lý các di sản thế giới tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và việc phải xây dựng một mô hình quản lý sao cho phù hợp đang là đòi hỏi đặt ra lúc này.

 

Khách du lịch quốc tế tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Theo thống kê của UNESCO, Vịnh Hạ Long, di tích Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An…, khi mới được công nhận là di sản thế giới chỉ thu hút vài chục nghìn lượt khách tới tham quan, nhưng đến nay đã thu hút khoảng 2 triệu khách mỗi năm. Sự gia tăng về số lượng du khách, có nghĩa hiệu quả kinh tế từ các di sản này cũng tăng lên đáng kể. Có được những kết quả như vậy, trước hết là công tác quản lý, tổ chức hoạt động tại các di sản ngày một bài bản hơn.


Tuy vậy, dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu di sản, mô hình quản lý di sản hiện có quá nhiều bất cập, tên gọi không thống nhất, nơi là ban quản lý, nơi là trung tâm; chức danh người đứng đầu nơi là giám đốc, nơi là trưởng ban. Mặt khác, lại có sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ, có nơi vừa là cơ quan quản lý, vừa là đơn vị sự nghiệp, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

 

Đơn cử, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An và Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn chỉ là các cơ quan trực thuộc huyện, thành phố thuộc tỉnh; Thành Nhà Hồ trực thuộc Sở VHTT&DL Thanh Hóa quản lý… Bên cạnh đó, các quy định, quy chế quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở nước ta còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới. Cụ thể, các di sản như Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Mỹ Sơn chưa xây dựng được quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy di sản; hoặc đã có quy chế, nhưng chưa bắt kịp với những thay đổi diễn ra trong thực tế. Sự thiếu thống nhất trong mô hình quản lý các di sản thế giới, dẫn tới không ít trở ngại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là trong bối cảnh, các di sản thế giới ở Việt Nam luôn phải đối mặt với những rủi ro do yếu tố thiên tai.


Còn nhớ, cơn bão số 11 năm 2013 gây ngập lụt nặng cho đô thị cổ Hội An. Với một đô thị có hàng trăm ngôi nhà cổ, thì việc phải trụ vững qua những trận lụt như vậy là vô cùng khó khăn. Lời cảnh báo của UNESCO về việc ô nhiễm môi trường tại vịnh Hạ Long vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại bởi thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này gặp rất nhiều khó khăn thách thức, trước sự phát triển quá nóng từ các ngành công nghiệp ven bờ vịnh Hạ Long.

Sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển khách du lịch, tàu vận tải, tàu nghỉ đêm trên vịnh cũng là những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho môi trường, làm ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Với di sản Thành Nhà Hồ, theo Luật Di sản văn hóa và Quy chế quản lý bảo vệ của di sản này, thì khu vực 1 là vùng bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực này vẫn tiến hành xây dựng nhà cửa và các công trình dân sinh. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý cũng như xử lý sai phạm đối với di tích.


Thực tế, 142 ha của di tích Thành nhà Hồ hiện vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Người dân địa phương vẫn canh tác, sản xuất lúa và hoa màu chính trong khu vực bảo vệ đặc biệt của di sản. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kiến trúc khảo cổ của di sản. Cái khó là Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ chỉ có thể áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong khi đó, các hoạt động dân sinh lại căn cứ vào quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Vậy là cứ mạnh ai nấy làm. Và công tác quản lý, bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ vẫn cứ loay hoay mà không tìm ra lời giải.


UNESCO từng đưa ra nhiều khuyến nghị là Việt Nam cần phải xây dựng một mô hình phù hợp để bảo tồn có hiệu quả các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Thực tế hiện nay, những vi phạm xảy ra tại các di sản chưa thể xử lý tới nơi tới chốn là do những bất cập trong các quy định pháp luật, sự thiếu thống nhất trong mô hình quản lý. Vấn đề đặt ra là cần sớm thống nhất bộ máy quản lý di sản, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng; từng bước hoàn thiện các quy định pháp lý; có như vậy việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới tại Việt Nam mới mang lại hiệu quả như mong muốn.


Yến Nhi

Phu Văn Lâu ở Cố đô Huế bị sạt mái
Phu Văn Lâu ở Cố đô Huế bị sạt mái

Một phần mái bên trái của Phu Văn Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế bị sạt, đổ sụp xuống do phần liên kết giữa cột, kèo và các thanh đà bị mục nát vì mối mọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN