NSND Phạm Thị Thành kể chuyện trò xưa

Năm 2013, Nhà hát Tuổi trẻ bước sang tuổi 35. Cũng là tuổi 35 cho lứa diễn viên đầu tiên do Nhà hát tự tuyển sinh và đào tạo, mà hầu hết trong số đó hiện đều là những trụ cột của Nhà hát.


35 năm, liệu điều gì còn lưu lại, liệu điều gì đã phôi phai trong tâm trí một trong những người thày của họ - TS. NSND Phạm Thị Thành...

 

Một ngày tháng 10/2013, chúng tôi đến gặp TS - NSND Phạm Thị Thành, để nghe bà kể chuyện về lứa diễn viên "35 tuổi nghề" ấy, những người mà bà đã có thời gian dài gắn bó trong vai trò là giáo viên đào tạo họ, và sau đó là "sếp" của họ (NSND Phạm Thị Thành là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1990 - 1999).

 

NSND Phạm Thị Thành (áo đen, giữa) cùng lứa diễn viên kịch nói khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ. Tư Liệu


Luôn dành những lời "có cánh" cho lớp học trò - diễn viên này, cảm xúc của NSND Phạm Thị Thành dường như vẫn còn vẹn nguyên về những ngày đích thân bà cùng những nghệ sĩ khác tham gia tuyển chọn họ vào Nhà hát Tuổi trẻ. Đó là năm 1978, Nhà hát Tuổi trẻ thành lập, do đạo diễn Hà Nhân làm giám đốc, với nhiệm vụ là "tạo một sân chơi nghệ thuật" cho giới trẻ Việt Nam, góp phần định hướng "chân, thiện, mỹ" cho những khán giả trẻ.


Sau khi thành lập, Nhà hát đã bắt tay vào việc tuyển các lớp diễn viên: Diễn viên kịch nói, kịch câm, diễn viên thanh nhạc. Trong đó, tất cả những diễn viên kịch nói khóa đầu tiên đều là những chàng trai, cô gái rất trẻ, chưa từng được đào tạo qua trường lớp. “Thời điểm đó, tôi cùng đạo diễn Hà Nhân và NSƯT Phạm Thùy Chi là những người trực tiếp tuyển chọn. Sau khi nhà hát ra thông báo tuyển diễn viên, đã có tới 1.200 lá đơn xin thi tuyển vào ngành diễn viên kịch nói.

Tiêu chuẩn lựa chọn diễn viên thời điểm đó rất khắt khe. Để được lựa chọn, ở mỗi em cần phải hội tụ rất nhiều yếu tố, từ diễn xuất đến múa, hát. Không chỉ dừng lại ở “thanh”, ở “sắc”, mà các em cần phải có tư duy sân khấu, có cảm xúc diễn xuất. Sau cùng, chúng tôi lựa chọn được gần 40 em có đủ khả năng và là lứa diễn viên được đánh giá là “thế hệ vàng” của sân khấu kịch nói miền Bắc sau này, trong đó có Chí Trung, Ngọc Huyền, Lê Khanh, Lan Hương, Đức Hải, Anh Tú, Minh Hằng, Quốc Tuấn…”, TS. NSND Phạm Thị Thành kể.


Trong ký ức của NSND Phạm Thị Thành, lứa diễn viên đầu tiên là những học sinh rất chăm chỉ, cần cù và chịu khó học hỏi. Để đào tạo họ, các thày cô luôn đưa ra những bài học khó và yêu cầu học sinh phải đọc nhiều kịch bản, các kịch bản sân khấu cổ điển, các sách của nhà văn Đan Mạch - Andersen... "Tuy nhiên, có thuận lợi là lứa diễn viên đầu tiên này của Nhà hát Tuổi trẻ đều là những người có năng khiếu, hơn nữa, rất tâm huyết với nghề", NSND Phạm Thị Thành chia sẻ.


Mỗi diễn viên lứa đầu tiên ấy để lại cho NSND Phạm Thị Thành một ấn tượng khác nhau. Với Lê Khanh (nay là NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát), đó là sự chủ động, hết mình trong công việc. Khi mới vào Nhà hát, còn rất trẻ, nhưng Lê Khanh không làm việc thụ động, đạo diễn chỉ đâu đánh đấy, mà trước khi làm vở nào thì Khanh cũng đều nghiên cứu rất kỹ kịch bản. NSND Phạm Thị Thành kể, lần ấy Nhà hát làm việc với đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi. Có một đoạn lời thoại, đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi đã phân tích đến mấy ngày, nhưng Lê Khanh vẫn ngồi nghe rất chăm chú, cho đến khi nào hiểu thì thôi.

Chính vì vậy, khi diễn Lê Khanh rất nhập tâm, có chiều sâu và sống thật với nhân vật của mình. "Khi Nhà hát làm vở “Vũ Như Tô”, Lê Khanh đảm nhận vai Đan Thiềm. Thực tế, đây chỉ là nhân vật thể hiện ước mơ, khát vọng của tác giả Nguyễn Huy Tưởng, chứ hoàn toàn không có thực. Lê Khanh đã dành thời gian nghiên cứu vai diễn, thậm chí còn tự nghĩ ra lý lịch cho nhân vật của mình, để làm sao cho thật nhất. Hay như khi làm vở “Rừng trúc” của tác giả Nguyễn Đình Thi, một vở kịch kể về giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc, thời kỳ chuyển tiếp từ triều đại nhà Lý sang triều đại nhà Trần; Lê Khanh vào vai Lý Chiêu Hoàng, nhân vật trung tâm của vở kịch, xoay quanh mối quan hệ với các nhân vật Trần Cảnh, Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung… Khi đó, Lê Khanh cũng tìm hiểu rất kỹ, đọc rất nhiều tài liệu để hiểu về giai đoạn lịch sử đó, qua đó thể hiện vai diễn một cách thành công nhất”.


Còn với Lan Hương (nay là NSND Lan Hương, Trưởng đoàn kịch Thể nghiệm), thì ấn tượng của NSND Phạm Thị Thành là một cô bé "có năng khiếu từ nhỏ". Theo NSND Phạm Thị Thành, Lan Hương từng rất thành công với vai chính trong bộ phim “Em bé Hà Nội” (1974) và là một diễn viên nhanh nhạy, vì thế, khi đứng trên sân khấu Lan Hương tự tin và phù hợp với những vai có chất bay bổng, lãng mạn. Trong vở “Cuộc đời tôi”, giành Huy chương Vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, Lan Hương rất thành công khi vào vai một cô gái điếm loay hoay trở lại với cuộc sống đời thường”.


Với Chí Trung - Ngọc Huyền, đó là kỷ niệm về tình yêu của họ. Thời kỳ đó, do cả hai con trẻ, lại cùng hoạt động trong một nhà hát, nên dù yêu nhau vẫn phải giấu kín. Khi đó, NSND Phạm Thị Thành cũng biết, nhưng rất thông cảm và chia sẻ với cả hai. Chính NSND Phạm Thị Thành đã khuyên nhủ Chí Trung và Ngọc Huyền hãy biết trân trọng những tình cảm mà họ dành cho nhau, nhưng cũng hãy biết chú tâm vào công việc.Và vì thế, đến nay, vợ chồng Chí Trung và Ngọc Huyền vẫn coi "cô Thành" như một "chứng nhân" cho tình yêu bền chặt của mình...


Sau 35 năm, nhắc lại kỷ niệm về lứa học trò đầu tiên, NSND Phạm Thị Thành vẫn không giấu khỏi niềm vui và sự tự hào. Bởi thế hệ học trò đầu tiên ấy giờ đều đã trở thành những nghệ sỹ được công chúng yêu mến và đạt được những danh hiệu cao quý là NSƯT, NSND…

Quỳnh Như

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN