Các địa phương trong tỉnh Nghệ An duy trì nhiều nét đẹp đầu năm mới mang đậm bản sắc dân tộc và bản sắc riêng của xứ Nghệ.
Ngày mùng một Tết, các thành viên gia đình đến chúc Tết ông bà, cha mẹ, sau đó đi chúc Tết họ hàng, làng xóm, bạn bè. Đã thành thông lệ, vào những ngày Tết, tại các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn Nghệ An thường có rất đông người dân đến tham quan.
Tại Quảng trường Hồ Chí Minh nằm trên địa bàn Thành phố Vinh và tại Khu di tích Kim Liên nằm ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, ngày mùng một Tết đã có hàng ngàn lượt người đến tham quan, chụp ảnh và dâng hương, hoa, bày tỏ lòng thành kính đối với Bác. Còn ở các huyện miền núi Nghệ An, những ngày đầu năm mới là dịp diễn ra nhiều lễ hội, các trò chơi dân gian.
Đầu năm mới, người dân xứ Nghệ còn duy trì những nét đẹp khác, trong đó, ngư dân các huyện ven biển tổ chức lễ hội cầu ngư, ra quân đánh bắt hải sản đầu năm để lấy may. Các điểm vui chơi, mang giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh, như đền thờ Vua Mai, đền thờ vua Quang Trung, khu di tích Lê Hồng Phong… được người dân tìm đến rất đông. Đến đây, ngoài giá trị tâm linh vào dịp đầu năm, mọi người còn hiểu hơn về lịch sử đất nước và những nhân vật của lịch sử.
Tạo điều kiện cho người dân vui Tết, đón xuân, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và duy trì các lễ hội truyền thống, nhất là các lễ hội truyền thống ở các huyện miền núi. Do nhiều nguyên nhân, gần đây một số lễ hội và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái, Khơ mú… ở các huyện miền Tây xứ Nghệ bị mai một và thất truyền. Việc duy trì các lễ hội, các trò chơi dân gian, các phong tục tập quán vào dịp đầu năm mới là việc làm cần thiết góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc, riêng có này.
Nguyễn Văn Nhật