Để khai thác tốt giá trị các di tích tổ nghề

Di tích thờ tổ nghề đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Những di tích thờ tổ nghề ấy đều đã có vài ba trăm năm, trong số đó có một số ngành nghề còn duy trì và phát triển cho đến ngày nay, song cũng có những nghề đã không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng nên đã bị mai một. Các di tích thờ tổ nghề cũng bị xuống cấp, bị lấn chiếm hoặc mất hẳn...

Thực trạng đáng buồn

Theo thống kê, khu Phố cổ Hà Nội là nơi có mật độ di tích lớn nhất của thành phố với 121 công trình di tích đình, đền, chùa… trong đó có 50 ngôi đình thờ tổ nghề gắn với các phố nghề truyền thống của Hà Nội. Trong số đó có một số ngành nghề còn duy trì được qua các thời đại như nghề kim hoàn, nghề rèn, nghề da giầy… nhưng cũng có nhiều nghề do ảnh hưởng của công nghiệp hiện đại nên đã không còn.

Đền Phúc Hậu số 2 Hàng Bông thờ tổ nghề tráng gương.


Các di tích đình thờ tổ nghề cũng trong tình trạng tương tự. Theo kết quả khảo sát hiện trạng của Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hoàn Kiếm, rất nhiều di tích tổ nghề đang trong tình trạng xuống cấp, bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đình Hoa Lộc Thị ở 90 A Hàng Đào, thờ ông tổ nghề nhuộm đang trong tình trạng xuống cấp, hiện trong khu vực cần bảo vệ di tích còn 9 hộ dân đang sử dụng tự quản. Đình Hà Vỹ (11 Hàng Hòm), thờ ông tổ nghề sơn từ lâu chưa được tu bổ, sửa chữa, đang trong tình trạng xuống cấp; hiện vẫn còn 6 hộ dân đang sống trong khuôn viên đình. Tú Đình Thị (số 2A Yên Thái), thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành đang trong tình trạng dột nát, hiện đang có 4 hộ dân sống trong khu di tích. Đình Lò Lèn (số 1 phố Lò Rèn) thờ ông tổ nghề rèn ở Thăng Long thời Lý cũng đang bị lấn chiếm, xuống cấp cần trùng tu tổng thể... Ngay cả Di tích lịch sử văn hóa quốc gia như đình Phả Trúc Lâm thờ ông tổ nghề da giầy, tuy không bị lấn chiếm nhưng từ lâu không được sửa chữa và đang trong tình trạng hư hỏng nặng, bụi bặm bám đầy, lá cây rụng ngập sân, có vẻ như từ rất lâu không có người trông nom, quét dọn… Đình Xuân Phiến Thị (đình làng Hàng Quạt) ở số 4 Hàng Quạt sau một thời gian bị lấn chiếm, nay phường Hàng Gai đã thu hồi, tu sửa và lấy làm nhà tưởng niệm liệt sỹ của phường.

Đâu là nguyên nhân?

Rất nhiều nguyên nhân khiến cho các di tích thờ tổ nghề bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Theo lời kể của những cư dân ở quanh các di tích thờ tổ nghề, suốt một thời gian dài sau giải phóng, nhiều ngôi đình thờ tổ nghề thường được chính quyền trưng dụng để sản xuất, kinh doanh.

Bà Đỗ Thị Ngát, người trông coi Tú Đình Thị cho biết, trước đây, có một nhóm người đến ở và làm mỳ sợi cho công ty lương thực ở trong ngôi đình này. Sau này, để giữ lại ngôi đình thờ tổ nghề của làng mình, gia đình bà phải bỏ tiền hỗ trợ nhóm người này đi nơi khác làm ăn sinh sống.

Còn theo lời kể của bà Nguyễn Thị Bỉnh, người gần 40 năm sống gần đình Xuân Phiến Thị (số 4 Hàng Quạt), thì thời bao cấp, ngôi đình này được sử dụng làm cửa hàng bán gạo, hết thời bao cấp trở thành quán cà phê... và gần đây được tu sửa và làm nhà tưởng niệm liệt sỹ của phường Hàng Gai…
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân cho rằng, cùng với thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của xã hội, quá trình đô thị hóa cùng những thay đổi theo thời cuộc đã làm các làng nghề, phố nghề dần thu hẹp lại. Rất nhiều ngành nghề mai một hoặc gần như biến mất như nghề làm lọng, nghề tráng gương, nghề làm quạt… Những nghề không còn thì các di tích thờ tổ nghề cũng không còn được gìn giữ. Thêm vào đó, phố cổ Hà Nội là nơi tấc đất tấc vàng, việc kinh doanh thuận lợi, nên những di tích này đã bị lấn chiếm để làm chỗ bán hàng, làm nhà ở… Những di tích này phần lớn đều do người làm nghề tự quản, không phải của công, chưa được xếp hạng nên thành phố cũng chưa quan tâm đến nhiều, việc đầu tư để bảo tồn hầu như rất ít. Trong khi chúng ta vẫn giữ nguyên hơn 60 phố Hàng, mà di tích tổ nghề lại quên thì thật là một thiếu sót với tiền nhân.

Còn theo nghệ nhân Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội, những ngôi đình thờ tổ nghề bị xuống cấp như hiện nay là do suốt một thời gian dài, chúng ta mải lo làm kinh tế mà chưa có điều kiện quan tâm hay trùng tu các di tích. Đến nay, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa cũng đi lên, bà con các làng nghề truyền thống mới quan tâm đến những di tích do người dân làng mình xây dựng khi xưa và Nhà nước có điều kiện để tập hợp, đánh giá, quan tâm đến những giá trị văn hóa của các di tích này.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thừa nhận: “Do Hà Nội đã trải qua một thời gian dài chiến tranh, kinh tế khó khăn nên việc quản lý và duy tu định kỳ đối với các di tích chưa được tốt, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, một số nơi chỉ còn là dấu tích. Thêm vào đó, người dân ở nhiều vùng khác nhau đã di cư đến Hà Nội, lấn chiếm di tích để ở... Hiện nay, chúng tôi đang tìm mọi biện pháp để khôi phục lại các di tích tổ nghề bị xâm hại”.

Phương Lan

Bài 3: Di tích tổ nghề giúp nâng cao giá trị khu phố cổ

Để khai thác tốt giá trị các di tích tổ nghề
Để khai thác tốt giá trị các di tích tổ nghề

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ trăm nghề - trăm nghề đó làm nên ba mươi sáu phố phường, tạo ra những làng nghề, phố nghề và tạo nên những phố “Hàng” nổi tiếng đất kinh kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN