20 năm vẫn chưa chọn được lễ phục quốc gia

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng bày tỏ sự băn khoăn khi trong chương trình nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc: 20 năm tình hữu nghị (diễn ra tối 14/12 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội), ông và Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh mặc “đồ Tây” trong khi Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục Hàn.

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong hội thảo toàn quốc: Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử diễn ra tuần qua tại Hà Nội. Từ năm 1991, vấn đề tìm lễ phục cho các sự kiện quốc gia quan trọng của Việt Nam được Nhà nước chỉ đạo thực thi (trọng trách chủ yếu thuộc về Bộ VH,TT&DL), nhưng, đến nay vẫn chưa có kết quả.

1. Bộ VH,TT&DL tổ chức hội thảo bàn về lễ phục quốc gia (không đồng nhất với quốc phục) vào sáng 21/12 tại trụ sở Bộ ở Hà Nội. Tên hội thảo là Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn, nhưng nhiều đại biểu khi phát biểu vẫn sử dụng từ “quốc phục”, không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm “quốc phục” và “lễ phục”.

Lần này, Bộ không chấp nhận mọi ý kiến bàn lùi về việc lựa chọn lễ phục. “Khẳng định là có làm, vấn đề là làm như thế nào” là thông điệp từ Bộ.


Áo dài và khăn xếp cho nữ vẫn được sử dụng trong các sự kiện, biểu diễn nghệ thuật.

Và cái tên cũng đã chỉ rõ mục đích của hội thảo là tìm ra tiêu chí chọn lễ phục của người Việt Nam trong các sự kiện quan trọng. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - nói: “Không có đầu bài thì không thể nào làm được, dù tôi khẳng định là các nhà thiết kế Việt Nam thừa khả năng, chứ không chỉ đủ, để làm ra một bộ lễ phục Việt Nam. Không tìm ra tiêu chí, chúng ta cứ hội thảo lên hội thảo xuống mà không giải quyết được gì”.

Bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - khẳng định, tất cả các đề án thiết kế lễ phục trong các năm 1991, 1992, 1998, 2010, 2011… sở dĩ đều không thành công (không triển khai được hoặc đã ra mẫu thiết kế nhưng không đạt) cũng vì chưa có tiêu chí.

2. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, lý do Việt Nam chưa chọn được lễ phục là chưa xác định được sẽ sử dụng lễ phục như thế nào trong cuộc sống. “Áo dài, khăn xếp cho nữ vẫn còn sử dụng được trong các sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, tiệc cưới… nhưng áo dài khăn đóng của nam thì có cảm giác không còn phù hợp với cuộc sống mới, người mặc không có được sự trang nghiêm và sang trọng”. Ông Chương đề xuất lễ phục cho nam nên chuyển hẳn sang complet.

Lễ phục được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, song Bộ vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của lễ phục quốc gia. Băn khoăn của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một ví dụ. Còn nhớ Hội nghị APEC, khi Việt Nam may tặng nhà lãnh đạo các nước (Mỹ, Đức, Anh, Trung Quốc…) một bộ lễ phục. Nhưng theo nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu sáng qua tại hội thảo, đó là “một bộ đồ gấm xa lạ với đặc trưng trang phục Việt Nam”.

Mặc dù mỗi đại biểu đều có đề xuất riêng về tiêu chí lễ phục, ông Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long - cho rằng hội thảo tổ chức trong hội trường, đại biểu phát biểu trên bục cao như thế này sẽ không giải quyết được gì. “Phải là một hội thảo bàn tròn để thảo luận”, theo ông Chức, “Hội thảo này dường như muốn tiến đến hồi kết của vấn đề nhưng xem ra không hề đơn giản”.


Theo Thethaovanhoa.vn

Sen hồng vẫn dẫn đầu bình chọn Quốc hoa
Sen hồng vẫn dẫn đầu bình chọn Quốc hoa

Tối 12/6, tại công viên 23/9, TP Hồ Chí Minh đã bế mạc triển lãm, lấy ý kiến người dân về bình chọn Quốc hoa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN