Thực tế, cháy rừng đã xảy ra tại một số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… Do đó, việc thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các địa phương, chủ rừng đang trở lên cấp thiết.
Mùa khô ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thường kéo dài đến tháng 4. Do vậy, thời gian tới dự báo thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ rừng và nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra việc quan trọng nhất là các chủ rừng phải rà soát kỹ phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Là địa phương có diện tích rừng rất lớn, nhưng địa hình lại rất phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, Lai Châu lại có lực lượng kiểm lâm rất hạn chế, gần như khó khăn nhất cả nước. Thậm chí có địa bàn, một cán bộ kiểm lâm phải phụ trách quản lý, theo dõi đến 12.000 ha ha rừng như ở Mường Tè. Đây cũng là địa phương ở phía Bắc vào mùa này đã có diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao. Trong khi phong tục tập quán của bà con còn phát nương làm rẫy mà mùa phát nương lại là mùa có nguy cơ cháy rừng rất cao.
Tân Uyên (Lai Châu) là huyện miền núi có diện tích đất lâm nghiệp lớn với gần 68.000 ha. Nhưng đây cũng là địa hình rất phức tạp, độ đốc lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng cho sản xuất lâm nghiệp còn yếu kém, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp gần như không có. Vì vậy, việc tuần tra bảo vệ rừng cũng như chữa cháy khi xảy ra cháy rừng rất khó khăn. Hiện Tân Uyên đang vào mùa khô, độ ẩm thấp nên rất dễ xảy ra cháy rừng.
Ông Lò Văn Thỏ, Phó Bí thư xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, người dân trên địa bàn xã được nhận diện tích rừng lớn, có hộ lên tới 20ha; đồng thời đây cũng khu vực được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng cao nên họ rất có ý thức về bảo vệ và phát triển rừng. Bởi, nếu để xảy ra cháy rừng, người dân sẽ bị cắt tiền chi trả dịch vụ môi trường. Xã có 8 bản, mỗi bản được xây dựng 1 chòi gác để thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng cũng như có thể phát hiện sớm sự cố nếu có.
Là đơn vị quản lý phần lớn diện tích rừng của huyện, ông Mai Hồng Hạnh, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên cho biết, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thực thi phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, việc tuyên truyền có hiệu quả hơn cả. Do đó, từ tháng 1 đến tháng 4, Ban quản lý phối hợp với hạt kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh trên xe ô tô; tổ chức các gia đình ký cam kết thực hiện tốt các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các thôn (bản) có nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết, để chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa hành hinh vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trong mùa khô này, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả Luật Lâm nghiệp, Chi cục đã tham mưu Sở kiến nghị UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp và tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng thôn bản. UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với địa bàn phụ trách; đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế việc phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) cũng đang ở giai đoạn cao điểm mùa khô. Vườn đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy rừng với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy có thể xảy ra. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng dự báo, nếu tiếp tục khô hạn trong vài tháng tới, lâm phần Vườn quốc gia U Minh Thượng cấp dự báo cháy rừng cấp 4 và có nơi cấp 5, có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào.
Chủ động ứng phó từ sớm, trước khi mùa mưa năm 2019 kết thúc, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã chủ động đắp đập giữ nước dưới chân rừng nên năm nay nước và độ ẩm còn khá cao. Vườn quốc gia theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn trên lâm phần, nếu vùng gò cao khô kiệt thì lập tức bơm nước lên giữ độ ẩm ướt dưới chân rừng. Những máy bơm điện công suất lớn luôn sẵn sàng trong hoạt động bơm nước vào rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, vườn quốc gia tổ chức thực hiện trong phòng cháy, chữa cháy rừng với nguyên tắc phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả. Vườn tổ chức chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có; nỗ lực không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Bên cạnh những đơn vị đã có sự chuẩn bị, xây dựng phương án phòng chống cháy rừng tốt cũng có những nơi còn nhiều bất cập. Điển hình, nguy cơ cháy rừng ở tỉnh Ninh Thuận đáng báo động, đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Từ đầu năm đến nay, tại Ninh Thuận đã xảy ra 25 vụ cháy rừng với diện tích hơn 15 ha. Tuy mức độ thiệt hại đến rừng không nhiều, vì chủ yếu cháy thảm thực bì, cỏ, lá khô nhưng nếu tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài thêm thì số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy sẽ còn tăng thêm và sẽ gây thiệt hại lớn.
Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực tế qua quá trình kiểm tra, giám sát của Chi cục cho thấy, việc phòng cháy, chữa cháy rừng của một số đơn vị chủ rừng như: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ninh Sơn; Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ sông Sắt; Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang; Ban quản lý rừng Krông Pha vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng chưa cao, để xảy ra nhiều vụ cháy khi đến mùa khô hạn.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân hiểu và cùng tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các chủ rừng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức cho người dân sống ở các vùng đệm ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Các chủ dự án đầu tư trong lâm phần quản lý ký cam kết chấp hành việc sử dụng lửa trong rừng theo quy định pháp luật để ngăn chặn sai xót để xảy ra cháy rừng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, nguy cơ cháy rừng luôn hiện diện nếu các chủ rừng không chủ động phòng, chống. Chủ rừng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và thực hiện việc giảm vật liệu cháy rừng để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy rừng.
Các chủ rừng phải thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy rừng. Kiểm lâm địa bàn là người thực thi pháp luật, phải tuyên truyên để chủ rừng hiểu được rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của họ. Hạt kiểm lâm cần tích cực tham mưu các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát chủ rừng, nhất là các ban quản lý rừng bởi đây là đơn vị được giao với diện tích rừng lớn.
Cháy rừng hầu hết là do con người nên việc tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng lửa đúng quy định, an toàn là rất quan trọng. UBND cấp xã hướng dẫn người dân địa phương việc sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, đốt xử lý thực bì trên địa bàn đúng thời điểm, địa điểm; đồng thời tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đối với các hộ dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng, ông Nguyễn Quốc Hiệu cho hay.
Bài cuối: Dự báo sớm nguy cơ để ứng phó kịp thời