Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định thăm, khám các bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Công Luật/TTXVN |
Số ca bệnh tăng nhanh Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Khương Thành Vinh, Nam Định là một trong những địa phương ở miền Bắc có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao. Thông thường hàng năm trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Năm 2016, Nam Định chỉ có 173 ca mắc sốt xuất huyết nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình sốt xuất huyết tại Nam Định tăng đột biến, càng gần mùa mưa, số người nhiễm bệnh càng cao.
Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 5, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 22 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là người địa phương đi làm ăn tại Hà Nội và các tỉnh miền Nam bị bệnh trở về Nam Định.
Tuy nhiên, từ tháng 6 đến ngày 27/7, Nam Định đã ghi nhận 451 bệnh nhân sốt xuất huyết tại 126 xã, phường ở tất cả 10 huyện, thành phố; trong số đó có tới 70% các trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam trở về Nam Định điều trị. Hiện trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào tử vong.
Tình hình sốt xuất huyết tại Nam Định tăng đột biến, càng gần mùa mưa, số người nhiễm bệnh càng cao. Ảnh: Công Luật/TTXVN |
Tại Nam Định hiện đã phát hiện các ổ dịch tại các phường: Văn Miếu, Cửa Bắc, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng (TP Nam Định) và xã Nam Mỹ (huyện Nam Trực). Các địa phương có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao là: TP Nam Định, các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực, Vụ Bản.
Nhận định về tình hình dịch, ông Khương Thành Vinh cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Nam Định là rất cao. Điều này được minh chứng thông qua kết quả giám sát phát hiện các yếu tố phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh ở mức báo động.
Trong số 100 dụng cụ chứa nước tại các hộ được kiểm tra, có tới 48 dụng cụ có chứa bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn). Hơn nữa hiện đang là mùa mưa, điều kiện thời tiết thuận lợi nên số ca sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng nếu không có các biện pháp quyết liệt, kịp thời và sự chung tay vào cuộc của cộng đồng.
Phòng chống dịch dựa vào cộng đồng Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ông Khương Thành Vinh cho biết, ngành y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú trọng công tác giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết để điều trị, cách ly và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức tập huấn về hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng, chống dịch cho tất cả cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố và xã, phường có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức 35 đợt điều tra véc tơ truyền bệnh tại các ổ dịch và ở các xã, phường có nguy cơ phát sinh dịch sốt xuất huyết; tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thác, nước thải tại cộng đồng; phun 5 đợt hóa chất phòng dịch tại những nơi xảy ra ổ dịch…
Từ thực tế công tác phòng, chống dịch thời gian qua, ông Khương Thành Vinh khẳng định: Phòng, chống dịch sốt xuất huyết một cách hiệu quả nhất phải dựa vào cộng đồng và từ ý thức của người dân.
Do đó, thời gian tới Sở Y tế Nam Định đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì, phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị trọng điểm về sốt xuất huyết; tham mưu các cấp, các ngành xử phạt các cá nhân, tập thể không hợp tác trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Nhằm điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án giảm quá tải bệnh viện tuyến trên khi có dịch bùng phát; không ghép giường đối với các ca bệnh truyền nhiễm; xây dựng các thông điệp truyền thông về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh sốt xuất huyết.
Cùng với đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân.
Theo ông Khương Thành Vinh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút này không lây trực tiếp từ người sang người mà truyền bệnh từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn đốt. Muỗi vằn thường hút máu vào ban ngày, thời gian hút máu nhiều nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.
Nhìn bằng mắt thường muỗi vằn mình nhỏ, đen, thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở nơi tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng. Muỗi đẻ trứng ở rãnh nước, ao hồ, các dụng cụ chứa nước trong gia đình như: Chum, bể nước, vại, lọ hoa, chậu cây cảnh hoặc đồ phế thải có chứa nước như lốp xe, vỏ dừa…
Người bị mắc sốt xuất huyết có các biểu hiện như sốt, thoát huyết tương, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng… Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ông Khương Thành Vinh cũng khuyến cáo, không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước.
Các gia đình cũng cần loại bỏ các vật liệu phế thải như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ; treo màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Các trường hợp khi có các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.