Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý cũng như mối lo ngại về an toàn, phát triển toàn diện của trẻ. Nhiều phụ huynh khá bối rối trong việc tìm kiếm các hoạt động an toàn, bổ ích để giữ cho trẻ vừa giải trí vừa học hỏi trong suốt kỳ nghỉ hè. Các cơ quan chức năng cũng nỗ lực đưa ra giải pháp nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng phù hợp cho từng lứa tuổi, giúp trẻ em có "hệ miễn dịch số" để tự nhận thức và đề phòng các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trên mạng.
Phụ huynh lo lắng
Nhiều phụ huynh hết sức e ngại khi kỳ nghỉ hè kéo dài bởi trẻ ở nhà làm bạn với thiết bị điện tử vào mạng xã hội thường xuyên khi chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn trên không gian mạng cũng như thông tin xấu, độc.
Chị Hồng Nhung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 4 chia sẻ, vợ chồng chị đã thống nhất mỗi ngày chỉ cho phép con dùng điện thoại và ti vi trong 1 giờ (30 phút xem điện thoại và 30 phút xem ti vi). “Xem điện thoại quá nhiều sẽ lấy đi thời gian vui chơi của con, làm mất đi kết nối giữa các thành viên trong gia đình”, chị Nhung cho biết.
Chị Nguyễn Trang Linh, (quận Đống Đa, Hà Nội) thông tin, dịp hè, con nghỉ học nhưng vợ chồng chị đi làm, không có thời gian sát sao với con. Gia đình không muốn đưa con đến các lớp học hè nên đã đưa con sang chơi với ông bà, buổi chiều đón về. Tuy nhiên, ông bà ở nhà chiều cháu nên thường cho con dùng điện thoại cả ngày, ông bà không thể kiểm soát được nội dung con tiếp cận trên mạng xã hội. Sau vài hôm, chị Linh đã phải thống nhất quy tắc chỉ được phép con sử dụng điện thoại 30 phút/ngày khi có bố mẹ ở nhà, đồng thời bố mẹ thay nhau chỉ dẫn cho con những nội dung nên xem trên mạng, lý giải nội dung nào xấu cần phải tránh.
Theo các chuyên gia, sử dụng điện thoại hay mạng xã hội từ sớm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ như giảm tập trung, trí nhớ khi học tập, mải miết với thế giới "ảo", không còn thời gian dành cho gia đình, bạn bè, mặt khác, thông tin xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Nếu được tiếp xúc với công nghệ từ sớm nhưng trẻ được cha mẹ hỗ trợ, hướng dẫn thì điện thoại thông minh, máy tính sẽ hỗ trợ trẻ tìm kiếm thông tin, dữ liệu cho việc học tập, thúc đẩy quá trình tự học hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Trẻ sử internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng "nghiện" và trở thành thói quen rất khó chữa. Ngoài ra khi lên mạng, bên cạnh các lợi ích, trẻ rất dễ gặp các rủi ro như xem các hình ảnh, thông tin nội dung độc hại và không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin,Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng. Đó là tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng "nghiện" internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật... Thống kê của Cục An toàn thông tin, cho thấy, với hơn 70% dân số dùng internet, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao. Nước ta đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trẻ tiếp cận với internet và các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và tham gia các hoạt động hàng ngày.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, thời gian trẻ em nước ta sử dụng mạng xã hội là từ 5 - 7 giờ/ngày. Do đó, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đặt ra nhiều thách thức, trong đó nghiện internet là một trong 6 nhóm rủi ro chính khi trẻ em tham gia môi trường mạng...
Đồng hành cùng con
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thời gian qua, các tổ chức, đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ để triển khai Chương trình Bảo vệ và Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, các bộ, ban, ngành nỗ lực duy trì môi trường mạng an toàn, phát triển hệ sinh thái sản phẩm và ứng dụng công nghệ số Việt Nam cho trẻ em học tập, kết nối, giao lưu, giải trí sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Các đơn vị thường xuyên nâng cao kiến thức và kỹ năng phù hợp cho từng lứa tuổi, giúp trẻ em có "hệ miễn dịch số" để tự nhận thức và đề phòng các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trên mạng.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trực thuộc Cục Trẻ em, (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) là đơn vị kết nối, xử lý các vụ việc xâm hại, tư vấn bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Mỗi năm, tổng đài tiếp nhận hơn 400 - 500 cuộc gọi về những vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Có những ca do cha mẹ và trẻ em gọi đến tổng đài tư vấn, một số ca thì nhân viên tổng đài trực tiếp gọi tới để can thiệp.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng hiện nay, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Đăng Khoa cho rằng, trẻ em là thế hệ công dân số mới, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng. Tuy nhiên, việc thiếu các kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ an toàn trên không gian số đang là một hạn chế, thách thức.
Theo đại diện Cục Trẻ em, việc hỗ trợ các em "nghiện" internet và mạng xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư về nhân lực, thời gian và khả năng của các em trong việc giảm bớt phụ thuộc vào công nghệ. Do đó, các gia đình cần chú trọng đến việc phòng ngừa, đảm bảo trẻ không rơi vào tình trạng "nghiện" internet ngay từ sớm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, thế giới số giúp con người có thể học tập và sinh sống tốt hơn, tuy nhiên trẻ có thể đối diện nhiều với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị quấy rối tình dục qua mạng xã hội... Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu và tự nâng cấp kỹ năng an toàn cho chính mình, sau đó giúp con nhận diện, có cách ứng phó phù hợp khi là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trên mạng xã hội.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cần đặt ra giới hạn thời gian cho con sử dụng thiết bị điện tử, giám sát và hướng dẫn trẻ nhận diện, tránh xa nội dung xấu, độc, cách bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng internet. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tham gia cùng con các hoạt động giáo dục, ứng dụng học tập để tạo sự kết nối, giúp kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận, khuyến khích trẻ chia sẻ, thảo luận để định hướng tư duy.
Việc đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học thể thao, âm nhạc, hội họa, hoạt động ngoại khóa sẽ làm giảm thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử của trẻ. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ những nguyên tắc an toàn cơ bản khi sử dụng internet như không chia sẻ thông tin cá nhân, tương tác với người lạ, cách nhận biết, báo cáo nội dung xấu, độc hay hành vi bắt nạt trực tuyến...
Quan trọng hơn cả là cha mẹ cần làm gương, không sử dụng điện thoại trong bữa ăn, trước khi đi ngủ, tự đặt ra giới hạn cho bản thân trong việc sử dụng thiết bị điện tử để trẻ học theo và hình thành thói quen tốt. Với biện pháp giám sát, giáo dục đúng đắn, cha mẹ có thể giúp con em tránh xa những nguy cơ tiềm ẩn, sử dụng công nghệ an toàn và hiệu quả.