Về ấp 6, xã Phước Đông (Cần Đước - Long An), hỏi đến tên Nguyễn Thị Sari (SN 1985), người dân nơi đây ai cũng biết và cảm phục trước ý chí vượt khó của em. Từ một cô bé khuyết tật, em đã cố gắng vươn lên, trở thành một vận động viên bơi lội xuất sắc, giành được nhiều huy chương qua các kỳ thi trong nước và quốc tế.
Nguyễn Thị Sari là con thứ 3 trong một gia đình nghèo. Năm lên 3 tuổi, một cơn sốt đã khiến đôi chân của Nguyễn Thị Sari bị bại liệt. Mãi đến 8 tuổi, em mới được đi học. Hàng ngày, chị gái Nguyễn Thị Mỹ Tiên đã cõng Sari vượt qua đoạn đường 3 km để đến trường Tiểu học Phước Đông. Sari tâm sự: “Biết mình không đi lại được như mọi người, em đã ra sức cố gắng học tập và kết quả cuối năm ở các cấp học, em đều đạt học sinh khá - giỏi”.
Nguyễn Thị Sari (bên phải) trao đổi với bạn bè trong giờ học tiếng Anh tại trường Đại học Hùng Vương. |
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, Sari đã đành phải hoãn lại giấc mơ đến giảng đường đại học của mình để ở nhà tìm việc làm, phụ giúp cha mẹ. Nhưng khổ nỗi, lúc này em không thể làm được việc gì khi chưa có một nghề trong tay. Một lần, đọc được tờ rơi giới thiệu về Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh, Sari đã quyết định xin cha mẹ cho theo học lớp vi tính văn phòng. Sau 6 tháng học ra trường, em vào trung tâm tìm việc nhưng không cơ sở nào nhận vì cho rằng em ngồi xe lăn nên sẽ rất bất tiện trong công việc.
Đầu năm 2007, nhờ người quen giới thiệu, Sari lại lên TP Hồ Chí Minh, xin vào làm công việc cắt chỉ cho Công ty thêu Vi tính Thanh Châu (quận Tân Bình). Tại đây, Sari đã may mắn gặp ông Trần Hoàng Minh, chủ cơ sở Hỗ trợ người khuyết tật Mùa Xuân (TP.HCM) và được nhận vào làm. “Em vào làm thợ phụ cho xưởng may của bác Minh với tháng lương đầu tiên 750.000 đồng. Em đã dùng số tiền này mua cho em gái chiếc xe đạp 300.000 đồng. Đây là việc ý nghĩa đầu tiên mà em làm được, em rất vui vì mình vẫn còn hữu ích”, Sari bùi ngùi nhớ lại.
Tại cơ sở Hỗ trợ người khuyết tật Mùa Xuân, Nguyễn Thị Sari không những được làm việc mà còn được ông Trần Hoàng Minh - người mà Sari coi là người cha thứ hai của mình, hướng dẫn tham gia các hoạt động thể thao. Phát hiện ra Sari có năng khiếu bơi lội, ông Minh đã quyết định giúp Sari luyện tập. Sari cho biết, những ngày đầu vì không giữ được thăng bằng nên em uống rất nhiều nước. Có lúc sặc sụa, dẫn đến người mềm nhũn. Nhiều lúc, em cảm thấy buồn bã muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến gia cảnh nghèo túng, em nỗ lực phấn đấu để không phụ thuộc gia đình. Với ý chí quyết tâm cộng với sự động viên, an ủi của ông Minh, Sari đã trở thành một VĐV tài năng. Đến nay, Sari có bộ sưu tập với 18 HCV, 6 HCB và 1 HCĐ trong các giải bơi lội trong nước và quốc tế. Những chiếc huy chương trên đánh dấu điểm mốc rất quan trọng của Sari. Bởi với số tiền thưởng của các tấm huy chương, Sari đã mua sách tự học đồng thời tham gia ôn thi đại học. Kết quả, năm 2008 em đỗ vào trường Đại học Hùng Vương khoa Tiếng Anh. Dù bận rộn việc học, nhưng Sari vẫn dành thời gian ôn luyện môn bơi lội và năm 2008, em được chọn tham gia Asian Paragames 4, tổ chức tại Thái Lan. Ở cuộc thi này, em đã đem về 2 HCB ở cự ly 50m và 100m ếch. Năm 2009, chỉ trong một ngày, em đoạt liên tục 3 HCV ở cự ly 50m và 100 m ếch, 400 m tự do tại Paragames 5, tổ chức ở Malaixia.
Sari tâm sự, hiện nay em đang học năm thứ 4 với số lượng bài vở rất nhiều, lại phải thực hiện bài tập luyện bơi 2.000 m mỗi ngày, nên gặp không ít khó khăn. Dù vậy, em vẫn tìm cách khắc phục như mỗi tối thức khuya học bài, sáng tranh thủ luyện bơi, trong đó em sẽ dành nhiều thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cử nhân sắp tới. Thỉnh thoảng vào lúc thư giãn, Sari còn giúp các chị em trong cơ sở thêu làm tranh xoắn giấy, mỗi khi hàng gấp.
Tâm sự về ước mơ lớn nhất của mình, Sari cho biết, em mong tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đang học. Đặc biệt, em mong sẽ trở thành cô giáo dạy cho các em nhỏ, nhất là những người có hoàn cảnh không may như em. “Cuộc sống không bao giờ phụ lòng những ai biết cố gắng vươn lên”, đây chính là phương châm phấn đấu của Nguyễn Thị Sari.
Bài và ảnh: Thanh Bình