(Tin tức) - TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, từng đánh giá:“Hệ thống cấp cứu ngoài BV còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu người dân, cần tập trung củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân ngoài BV, nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu”.
Vậy làm thế nào để sớm củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân trước khi tới BV?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, để làm tốt công tác cấp cứu trước BV, ngành y tế phải gấp rút triển khai đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của các khoa cấp cứu BV, đặc biệt là cần sớm xây dựng trung tâm điều phối cấp cứu.
Cần sớm chuyên nghiệp hóa lực lượng kỹ thuật viên cấp cứu. |
Trung tâm điều phối cấp cứu sẽ là nơi liên tục cập nhật khả năng đáp ứng cấp cứu với từng loại bệnh, từng loại tai nạn thương tích của các BV và đảm bảo liên lạc thông suốt với các tổ cấp cứu trước BV. Mục đích là điều phối đưa bệnh nhân tới BV gần nhất, có đủ khả năng cấp cứu ngay cho bệnh nhân.
Hiện nay, do Việt Nam chưa có trung tâm điều phối cấp cứu nên đa số bệnh nhân cần cấp cứu thường được đưa thẳng đến BV lớn, gây quá tải, đôi khi căn bệnh không được xử trí kịp thời. Nhưng nếu xây dựng được những trung tâm điều phối cấp cứu và tổ chức tốt hệ thống cấp cứu trước BV thì tình trạng này sẽ được giải quyết, giúp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, góp phần giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế di chứng đáng tiếc.
“Nhưng trước hết, cần tập trung vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Giải pháp hữu hiệu nhất là mỗi thành phố phải có một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu chuyên phục vụ công tác cấp cứu trước bệnh viện”, GS Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, khẳng định.
Theo GS Vũ Văn Đính, việc xây dựng Trung tâm đào tạo Cấp cứu trước BV sẽ sớm chuyên nghiệp hóa lực lượng kỹ thuật viên cấp cứu, cộng với một chế độ chính sách đãi ngộ và lương phù hợp, chắc chắn sẽ giải được bài toán khó về sự hạn chế của hệ thống cấp cứu hiện nay (thiếu cán bộ y tế và cả những khiếm khuyết về trình độ chuyên môn cấp cứu). Khi đó, trên xe cứu thương không còn bác sĩ, điều dưỡng nữa mà chỉ có lái xe và 2 kỹ thuật viên cấp cứu, có thể đảm nhiệm cấp cứu chấn thương, xử trí thành thạo cấp cứu nội khoa như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp… Sau đó, hoạt động đào tạo cũng cần hướng tới những đối tượng khác trong cộng đồng như cảnh sát, lính cứu hỏa, lái xe taxi…
Rất tâm đắc với việc cần sớm hình thành Trung tâm đào tạo Cấp cứu trước BV, BS Đỗ Công Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh và nhiều chuyên gia y tế khác cũng đồng tình rằng: Các kỹ thuật viên cần được đào tạo chính quy tại các trung tâm đào tạo cấp cứu trước BV của từng khu vực theo các trình độ khác nhau. Bước đầu, chỉ cần đào tạo kỹ thuật viên đạt trình độ sơ cấp (6 tháng) để hình thành đội ngũ trên cả nước. Nhưng trước đó, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cần công nhận và xếp ngạch kỹ thuật viên cấp cứu ngoại viện, đồng thời có chính sách ưu tiên về bậc lương, chế độ đãi ngộ để họ có thể yên tâm với nghề.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế chuyên đề cấp cứu trước BV, TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định rằng: Bộ Y tế rất ủng hộ việc xây dựng Trung tâm đào tạo Cấp cứu trước BV Hà Nội. Lãnh đạo ngành cũng rất quan tâm và sẽ chú trọng công tác củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân ngoài BV. Việc tổ chức tốt hệ thống cấp cứu trước BV sẽ đảm bảo tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giảm chi phí điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân hoặc tránh cho họ khỏi phải mang những di chứng nặng nề.
Quan điểm trên của vị lãnh đạo cao nhất của ngành y tế một lần nữa đã khẳng định tầm quan trọng và hứa hẹn hướng phát triển bền vững hơn cho hệ thống cấp cứu trước BV. Tuy nhiên, ngành y tế cần sớm hiện thực hóa chủ trương này bằng những hoạt động cụ thể và hiệu quả hơn. Tính mạng, cuộc sống và hạnh phúc của rất nhiều người bệnh phụ thuộc vào chính việc làm của các nhà hoạch định chính sách.
Phương Liên