Ông Vù A Sa phát biểu tham luận tại Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai năm 2017. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN |
Một trong những tấm gương điển hình đó là ông Vù A Sa (sinh năm 1963), dân tộc Hà Nhì, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Là một người con của dân tộc Hà Nhì, ông Vù A Sa không chỉ là một Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn năng động, người có uy tín mà còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, Vù A Sa học hết lớp 3 rồi nghỉ. Năm 1980, ông lập gia đình. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ông thường xuyên phải đi làm thuê, cuốc mướn để trang trải sinh hoạt. Cần cù, chịu khó, ông cùng vợ khai hoang diện tích đồi núi để trồng lúa nước, trồng ngô.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ những đồng tiền tích góp được, ông đã đầu tư nuôi thêm lợn gà và tiếp tục mua thêm diện tích đất để trồng rừng. Đến nay, từ hoa màu, gia súc đến các loại cây gỗ cho thu hoạch, mỗi năm, gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Hiện gia đình ông đã dựng được căn nhà kiên cố, mua sắm được các trang thiết bị phục vụ đời sống hàng ngày. Ông còn giúp các hộ nghèo ở thôn giống lúa, con giống hay phân bón để phát triển kinh tế.
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, ông Sa còn rất nhiệt tình trong công tác xã hội. Năm 2010, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn rồi Bí thư Chi bộ, người có uy tín tại thôn. Với sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc chung, ông cùng cấp ủy, ban cán sự thôn tích cực tuyên truyền vận động bà con xây dựng khối đại đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn.
Chia sẻ về quá trình công tác của mình, ông Sa nói: Mong muốn của tôi là được giúp đỡ bà con, chỉ khi bản thân hết lòng với công việc mới nhận được niềm vui từ mọi người. Nhiều năm trở về trước, mảnh đất Kin Chu Phìn 2 còn lạc hậu và nhiều hủ tục lắm. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ép cưới, thách cưới cao, việc tang ma, người chết để lâu trong nhà, ăn uống linh đình tốn kém, mê tín dị đoan… Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến cái nghèo đeo đuổi người dân nơi đây bao năm liền.
Trước thực trạng đó, thực hiện Đề án số 14 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa dân cư, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu giai đoạn 2011- 2015”, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy và chỉ tiêu kế hoạch của HĐND, UBND xã Nậm Pung, với vai trò người có uy tín trong thôn, bằng các việc làm cụ thể, ông đã phối hợp chặt chẽ với Ban công tác mặt trận thôn đến từng hộ trong bản để vận động, tuyên truyền về cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc Hà Nhì, xây dựng nếp sống văn hóa. Ông vận động dòng họ mình là tấm gương đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để bà con noi theo.
Theo ông Sa, muốn người dân trong thôn nghe và làm theo, ông phải gương mẫu làm trước, bởi họ chỉ tin vào những hành động cụ thể, mắt thấy, tai nghe. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, ông là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, vừa động viên nhân dân phát triển sản xuất, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, vừa bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhất là trong việc triển khai các chương trình, dự án cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu trên địa bàn. Đó là những nhiệm vụ cơ bản để người dân tin tưởng, đoàn kết, đồng lòng vươn lên trong cuộc sống, đẩy lùi đói nghèo.
Với sự cần mẫn, tận tụy của mình, ông trưởng thôn Vù A Sa đã giúp 73 hộ và hơn 424 nhân khẩu trong thôn từng bước ổn định cuộc sống, kinh tế ngày một phát triển, số hộ nghèo đã giảm xuống 17/73 hộ. Gần 7 năm kiêm nhiệm hai chức vụ, ông Sa đã có nhiều đóng góp tích cực trong xóa bỏ hủ tục, nâng cao đời sống cho nhân dân trong thôn.
Đến nay, thôn Kin Chu Phìn 2 không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lấy người làm, giữ gìn của cải trong gia tộc. Trong việc cưới xin, các gia đình đã tổ chức đơn giản nhưng vẫn giữ gìn được nét đẹp của dân tộc, không thách cưới cao, không tổ chức ăn uống dài ngày. Việc tang cũng được các gia đình tiến hành đơn giản, gọn nhẹ đi rất nhiều, không còn ăn uống dài ngày và người chết được đưa vào chôn cất tại nghĩa trang của thôn theo quy định.