Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chăn nuôi bò theo Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt, cải tạo đàn bò của gia đình ông Vi Văn Bộ, thôn Khòn Pá, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết: Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực và triển khai, thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vay vốn và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn...
Tỉnh đã tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là tại địa bàn 2 huyện Bình Gia, Đình Lập và một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc các huyện khác. Tỉnh lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khác.
Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định. Tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường học, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo; thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, bậc học theo quy định hiện hành… Song song với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo mới thoát nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từ đầu năm đến nay các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; toàn tỉnh đã hỗ trợ được gần 1.000 tấn phân bón và hàng chục nghìn cây, con giống các loại cho các hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn Triệu Văn Lạng khẳng định: Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới.
Năm 2017, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% trở lên; hỗ trợ 15.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo 100% người nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên các đối tượng chính sách... được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ dạy nghề cho 1.000 lao động nông thôn, chú trọng lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, hộ mới thoát nghèo.