Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế ngày 8/6, ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đã trao đổi với báo chí về những vấn đề xoay quanh việc Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạ trần lãi suất huy động vốn xuống còn 9%/năm trong thời gian tới.
´Thưa ông, các dòng vốn đến với doanh nghiệp hiện vẫn còn tắc, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là nguồn vốn đến với doanh nghiệp, hay nói cách khác là người thụ hưởng vốn chưa đều, chưa được giải quyết triệt để. Lãi suất cho vay chưa được giảm đều và người tiếp cận nguồn vốn cũng chưa được nhiều. Nếu chúng ta triển khai không đồng bộ, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh và xử lý không rõ ràng thì sẽ là lực cản chủ trương của Chính phủ và ngân hàng. Chế tài xử lý ở đây nghĩa là: Khi Ngân hàng Nhà nước quy định hạ trần lãi suất huy động vốn từ 14% xuống 11% và tương lai sẽ còn hạ nữa mà vẫn có ngân hàng “lách” tiếp tục huy động vốn cao thì cần phải xử lý nghiêm. Nếu các ngân hàng thương mại vẫn mạnh ai nấy làm, tự tăng lãi suất huy động vốn thì chỉ khổ doanh nghiệp và dẫn tới những tiêu cực. Nếu chúng ta không triển khai một cách đồng bộ thì sẽ bất lợi: Ngân hàng không thu hút được nguồn vốn gửi vào, trong khi doanh nghiệp lại không tiếp cận được nguồn vốn. Từ đó dẫn tới việc chênh lệch tiền vay - tiền gửi.
´Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hạ trần lãi suất huy động vốn xuống nữa. Vậy đây có phải liệu pháp tích cực, thưa ông?
Cái đích của chúng tra là cần giảm nhanh lãi suất huy động vốn. Chúng ta đã nói nhiều lần nhưng chưa làm được, bây giờ ngân hàng có chủ trương giảm nhanh như thế là quá tốt. Nhưng cái đích của việc giảm lãi suất tiền gửi là để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp đỡ khó khăn, tiếp cận được nguồn vốn. Nếu mục đích này không đạt được thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Nhưng bây giờ vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau, các chuyên gia nước ngoài cho rằng lạm phát của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm ẩn, những thành tích của chúng ta đạt được chưa vững chắc, nếu không cẩn thận mặt trái sẽ quay ngược trở lại sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Đó là những lo ngại của các chuyên gia nước ngoài. Còn với tôi, việc giảm lãi suất nhanh là nguyện vọng chung của tất cả các doanh nghiệp và cũng là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ.
´Ông có đánh giá gì về tính thanh khoản của từng ngân hàng?
Tính thanh khoản của ngân hàng bây giờ rất cao. Một thực tế là vốn có trong ngân hàng nhưng không cho vay được, hay nói cách khác là không ai vay. Rõ ràng thanh khoản rất tốt. Nhưng cái rất tốt này lại là tai họa cho ngân hàng, bởi ngân hàng thì đọng tiền, lãi suất của người gửi tiền vẫn phải trả, trong khi tiền của anh không quay vòng được. Và tất nhiên khi vốn nằm trong ngân hàng không phát huy được thì người gửi sẽ sử dụng tiền vào việc khác như mua trái phiếu Chính phủ, mua trái phiếu Ngân hàng Nhà nước… có thể chịu thiệt một ít nhưng đảm bảo lâu dài sau này. Thừa tiền trong ngân hàng là một hiện tượng có thật.
´Ông có nghĩ sau khi giảm lãi suất huy động vốn xuống thì tăng trưởng tín dụng có khả quan?
Việc này phụ thuộc vào 3 yếu tố: Một là làm thế nào để nợ xấu phải có “lối ra”. Hai là những ngân hàng yếu kém hiện nay phải được giải quyết triệt để, bởi nó hoạt động chậm chạm rồi tự ý tăng lãi suất, làm rối loạn thị trường. Thứ ba là cần giải quyết đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp bằng cách giải quyết sức mua, giảm chi phí đầu vào… Nếu giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, xử lý nợ xấu tốt, dẹp ngân hàng yếu kém thì dòng vốn mới phát huy hiệu quả, mới cứu được nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Viết Tôn (ghi)