Thu hút đầu tư vào Tây Bắc

Trong những năm vừa qua, nhiều địa phương vùng Tây Bắc đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Nâng cao tỷ lệ lấp đầy


Thời gian qua, Lào Cai đã đạt được kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh phát triển KCN, CCN theo hướng tập trung. Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Lào Cai, hiện nay, các KCN, CCN trên địa bàn đã thu hút 129 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 19.400 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy tại KCN Đông Phố mới đạt trên 81%, Tằng Loỏng 76% và Bắc Duyên Hải đạt trên 97%. Thời gian qua, các KCN, CCN này đã thu hút nhiều nhà đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.


 

Nhà máy luyện đồng Lào Cai tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là nhà máy luyện đồng kim loại từ quặng đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Thaí Bình - TTXVN

 

Nhiều KCN khác trong vùng Tây Bắc cũng đạt tỷ lệ lấp đầy cao. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Phú Thọ cho biết, trên địa bàn tỉnh có 2 KCN và 1 CCN được thành lập đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt khá cao, trong đó KCN Thụy Vân có diện tích 306 ha đạt tỷ lệ lấp đầy 81,91%, KCN Trung Hà có diện tích 126 ha đạt tỷ lệ 100%...


Theo bà Tráng thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, việc phát triển các KCN, CCN được coi là một trong những giải pháp nhằm tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, Sơn La đang hoàn thiện việc phát triển KCN Mai Sơn, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; cơ khí chế tạo, điện, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng...


Hiện nay, Hòa Bình cũng đã có 8 KCN được Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam gồm: Lương Sơn; Bờ trái Sông Đà, Yên Quang, Mông Hóa, Thanh Hà, Nam Lương Sơn, Nhuận Trạch và Lạc Thịnh. Theo đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, mặc dù tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN chưa cao nhưng các KCN đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

 

Ưu đãi thu hút đầu tư hơn nữa


Hiện nay, việc phát triển KCN, CCN ở các tỉnh vùng Tây Bắc đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các địa phương cũng như các bộ, ngành nhưng vẫn cần nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ hơn nữa.


Theo bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, công tác thu hút đầu tư vào Sơn La vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp vẫn chưa đủ mạnh.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ, cho biết, nguồn vốn ngân sách tỉnh dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CNN còn hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, CCN rất lớn nên cần có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước.


Một số nhà đầu tư vào KCN trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc cho biết, khi triển khai dự án rất khó tuyển lao động có trình độ cao như kỹ sư, chuyên gia quản lý để làm việc trong doanh nghiệp. Phần lớn lao động làm việc trong các công trình trọng điểm như: xây dựng các nhà máy thủy điện, luyện kim, hóa chất... là cán bộ, kỹ thuật, công nhân bậc cao ở các doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành Trung ương. Bởi vậy, địa phương vùng Tây Bắc phải có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động.


Theo các địa phương vùng Tây Bắc, để các KCN, CCN của vùng Tây Bắc phát triển đúng hướng và hiệu quả, cần ưu tiên phát triển những lĩnh vực thế mạnh của vùng như chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản... Một số tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Bắc Kạn... cho biết sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản để tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả, tạo việc làm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN không chỉ là nâng cao tỷ lệ lấp đầy mà còn là nâng cao chất lượng dự án đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, tạo nhiều việc làm cho người lao động... 


Theo các địa phương vùng Tây Bắc, Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để tạo động lực cho các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các vùng, miền, địa phương vùng Tây Bắc vốn có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên. Nếu có định hướng phát triển đúng đắn, sự phát triển của các KCN, CCN sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng Tây Bắc.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN