Xuôi theo những con dốc quanh co phủ sương mù, trung tâm xã Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) có vị trí khá đẹp, nằm dựa vào núi, trước mặt là sông tạo thành một thung lũng đẹp, bằng phẳng giữa bốn bề núi đá.
Dọc con đường dẫn vào trung tâm xã, những sắc màu thổ cẩm rực rỡ, đẹp lộng lẫy giữa vùng rừng núi trong tiết trời đông lạnh buốt. Cái lạnh se sắt trên vùng cao không làm phai nhạt những đôi má đang ửng hồng của những người con gái đang ngồi dệt bên khung cửi hoặc thêu những hoa văn trên những sản phẩm do chính tay mình làm ra.
Từ vẻ đẹp của con người đến muôn màu rực rỡ của thổ cẩm như làm phong cảnh thêm lung linh hơn vùng sơn cước ngày cuối năm. Nét đẹp từ những thớ vải với những hoạ tiết hoa văn tinh xảo trên chất liệu thổ cẩm tạo cho Lùng Tám có một không gian riêng với những khung cửi và người phụ nữ Mông cần mẫn.
Tranh thủ những buổi trưa, chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX lanh Hợp Tiến (bên trái) “truyền nghề” cho thế hệ trẻ. |
Để có được nét riêng “phía sau cổng trời”, đó là cả một quá trình và sự cần mẫn, trí tuệ của đồng bào Mông không ngừng phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Nằm lọt thỏm bên những dãy núi trùng điệp ở Lùng Tám, xưởng dệt vải lanh của HTX Hợp Tiến luôn rộn rã tiếng khung cửi. Hàng chục chị em phụ nữ đồng bào Mông vốn quen với nương rẫy, nay đôi tay đã trở nên thuần thục, thoăn thoắt với những đường kim mũi chỉ thêu từng họa tiết hoa văn tinh xảo lên các tấm thổ cẩm.
Bên bếp lửa ấm cúng, nâng chén trà nóng, chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX lanh Hợp Tiến tâm sự: “Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám, khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được”. Tâm sự mộc mạc của chị giúp chúng tôi thêm hiểu hơn về các làng nghề truyền thống trên vùng cao.
Chị cho biết thêm: Buổi trưa, chị thường không nghỉ, để dành thời gian đắm mình vào tấm vải thổ cẩm. Khi thì thêu váy, lúc lại dệt vải, rồi lại miệt mài truyền nghề cho lớp trẻ... Những lúc như thế, chị như gửi cả tấm lòng của mình cho đứa con tinh thần.
Các họa tiết hoa văn hiện lên sống động sau mỗi lần chị luồn, đan, khâu chỉ màu vào vải. Chị bảo, làm được một sản phẩm từ vải thổ cẩm kỳ công lắm phải mất hơn 40 công đoạn mới hoàn thành. Đầu tiên là se sợi, dệt vải, nhuộm, sau đó mới cắt, may, thêu hoa văn trang trí. Để làm được một chiếc chăn phải mất cả tháng trời, đơn giản hơn là chiếc ví cũng phải mất một ngày.
Từ khi nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, đời sống của bà con Lùng Tám ngày càng khấm khá lên. Đặc biệt, lớp trẻ trong vùng đã bắt đầu tiếp cận và ham thích học nghề, tạo cơ hội mới cho các em có thêm việc làm, phụ giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Tính đến nay, đã có trên 120 hộ gia đình theo nghề dệt thổ cẩm và đem về một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, trung bình mỗi tháng các hộ có thu nhập từ 1,2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào từng công đoạn.
Với thế mạnh sẵn có và sự khác biệt ở những điểm như: Chất liệu của vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, sợi dệt nguyên từ cây lanh, không có hóa chất pha tạp, vải thô, mát, sợi lanh mềm. Hoa văn và cách bài trí trên tấm vải thể hiện nhiều hình tượng mang đậm phong cách văn hóa đồng bào Mông, Lô Lô vùng cao biên giới, màu sắc thiên về màu lạnh, màu hồng tím là chủ đạo.
Đặc biệt, công nghệ dệt vải là thủ công bằng khung dệt truyền thống, không có sự can thiệp của máy móc là yếu tố thu hút khách du lịch tìm mua thổ cẩm Lùng Tám. Theo nhiều khách hàng đánh giá thì chính những nét nguyên sơ trên là lực hấp dẫn họ lựa chọn sản phẩm Lùng Tám. Nghề dệt truyền thống, nét văn hoá đặc sắc của người Mông dần được khôi phục và ngày càng phát triển.
Với đôi bàn tay khéo léo cùng với sự cần cù, chịu khó..., chị em phụ nữ đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo: những khăn quàng cổ, túi xách, những tấm vải nhiều màu sắc với các hoạ tiết hoa văn tinh tế như hình hoa lá, chim, thú, trời, đất, thần linh... làm rực rỡ thêm trên những trang phục của thiếu nữ Mông trong ngày hội Xuân. Những tấm thổ cẩm rực rỡ ấy theo chân bao du khách đến mọi miền đất nước và đã xuất khẩu sang 20 nước trong đó có những thị trường đặc biệt ưa chuộng như Mỹ, Nhật, Pháp...
Giờ đây, hầu hết các hộ trong xã đều có khung dệt, trong mỗi gia đình không chỉ có một vài người biết làm nghề, mà ngay cả những em mới 14-15 tuổi cũng đã biết dệt. Chị Sùng Thị Chỏ, thôn Hợp Tiến là thợ dệt được 8 năm, trước kia cuộc sống của vợ chồng chị và 3 con rất khó khăn. Nhưng từ khi nghề dệt được khôi phục đến nay thu nhập hàng tháng của chị cũng được trên 1,7 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống gia đình dần ổn định, các con được cắp sách tới trường.
Trong thời gian tới mong muốn của người dân Lùng Tám là mỗi thôn, bản có một tổ hợp tác xã để vừa duy trì nghề truyền thống, vừa tạo việc làm cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn.
Xuân đang về với Lùng Tám, những vệt mây mỏng quấn trên đỉnh núi, những cây mận, cây đào đang dần khoe sắc tô điểm thêm những nét tươi tắn cho vùng cao nguyên đá. Đó đây, những sắc mầu thổ cẩm chan hòa trong nắng Xuân ấm áp. Mùa xuân là mùa của tra hạt, trồng lanh, mùa gieo bao ước mơ và hy vọng...
Với người dân Lùng Tám, điều khao khát là được sống, được làm giàu bằng chính nghề thổ cẩm truyền thống của quê hương mình.
Theo baohagiang.vn