Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị tập huấn, hơn 70 đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 huyện Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao của tỉnh Kiên Giang tiếp thu các nội dung cơ bản về tình hình an toàn giao thông trên thế giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam và của tỉnh Kiên Giang, Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt là những giải pháp cho vấn đề an toàn giao thông khu vực nông thôn, miền núi; phát huy vai trò người có uy tín, góp phần đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng biên giới
Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Lớp tập huấn nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng ý thức văn hóa giao thông cho đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước, thực hiện kỷ cương trật tự giao thông, hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra. Thông qua tập huấn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng biên giới của tỉnh Kiên Giang nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông ở địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Cùng với đó, thông qua lớp tập huấn giới thiệu những vấn đề về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để tuyên truyền, vận động con em đồng bào ở địa phương nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vận động nhân dân tham gia, đóng góp công sức duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa làm đường giao thông nông thôn…
Ông Danh Chương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chia sẻ: Ý thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn thấp nên còn vi phạm luật giao thông và một số vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương tật suốt đời hoặc làm chết người hết sức đau lòng. Với trách nhiệm của mình, sau hội nghị này chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho gia đình, thân tộc, họ hàng và người dân trong xóm ấp, bà con phật tử ở các chùa nhận thức hơn nữa về hậu quả của tai nạn giao thông, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông để hạn chế vi phạm, kiềm chế tai nạn giao thông. Vì tai nạn giao thông gây tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, số người chết do tai nạn giao thông ở nước ta mỗi năm khoảng 9.000 người. Đáng lo ngại là trong số người chết này có khoảng 40% là người trẻ tuổi. Tổn thất về người và của đối với từng gia đình và cho toàn xã hội vô cùng nặng nề. Ngân sách quốc gia tiếp tục gồng gánh hàng nghìn tỷ đồng khắc phục hậu quả tai nạn giao thông.