Ngày càng có nhiều hộ dân Quảng Trị trở lại trồng mới, phục hồi vườn tiêu. Các mô hình trồng tiêu đạt hiệu quả kinh tế được nhân rộng.
Các hộ gia đình ở huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang phục hồi vườn tiêu. |
Do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị rất thích hợp với việc trồng hồ tiêu cho nên từ những năm 80 của thế kỷ trước, tại đây đã trồng được 1.500 ha hồ tiêu. Hồ tiêu vùng Cùa được biết đến là loại sản phẩm chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng mà nơi khác không có nên luôn được thu mua với giá cao. Có giai đoạn hồ tiêu đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Song mấy năm trở lại đây, việc sản xuất hồ tiêu gặp khó khăn do giá cả biến động gây bất lợi cho người trồng tiêu, nhiều vườn tiêu đã quá già cỗi, xuống cấp, trong lúc đó việc áp dụng các biện pháp canh tác của người dân thiếu đồng bộ, thiếu đầu tư thâm canh nên năng suất thấp, nhiều vườn bị sâu bệnh phá hoại, cây tiêu chết dần.
Từ năm 2011, sau khi khảo sát thực tế và nhận định thị trường sẽ rất cần hồ tiêu, trong lúc đất đai ở đây rất phù hợp, huyện Cam Lộ đã phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị lập đề án phục hồi và mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Theo đó, được sự hỗ trợ về vốn, phân bón, 30 hộ dân ở Cam Lộ được chọn làm thí điểm của Đề án khôi phục cây hồ tiêu. Ông Lê Sửa ở xã Cam Chính, một trong 30 hộ dân, cho biết: Trước đây gia đình ông trồng 5 sào hồ tiêu, đều phát triển rất tốt, thu hoạch năm cao nhất cho 2 tạ tiêu khô, tương đương 2,4 tấn/ha. Do nhiều năm tiêu được giá, gia đình ông cũng như người dân trong vùng đã có nguồn thu nhập cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, không ít hộ trở nên giàu có. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, vườn tiêu của gia đình ông xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, nhiều cây bị chết, số còn lại cho năng suất thấp. Được nhận trồng thí điểm của Đề án khôi phục cây hồ tiêu, ông Lê Sửa hy vọng là cơ hội để nông dân phát triển cây tiêu, mang lại lợi ích kinh tế.
Nhằm giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, thời gian qua một số công ty đã tìm hiểu các vùng trồng tiêu trong cả nước, kết nối với các nhà khoa học hàng đầu về hồ tiêu và phối hợp với huyện Cam Lộ tổ chức cho người dân trong huyện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các vùng trồng tiêu nổi tiếng ở Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Theo đề án khôi phục hồ tiêu, trong 5 năm, Công ty dự kiến đầu tư 500 triệu đồng/năm, trước mắt chọn 30 hộ gia đình làm thí điểm để phục hồi thành công 105 ha và trồng mới 350 ha, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Cùng với việc chọn lựa những loại giống có năng suất, chất lượng và có khả năng thích nghi cao, Công ty sẽ tổ chức tập huấn, dạy nghề cho người dân nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như giới thiệu, cung ứng các loại chế phẩm sinh học. Ngoài ra sẽ hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng cho các hộ gia đình khi vay trồng mới trong thời gian 4 năm, đối với vườn tiêu phục hồi trong thời gian 2 năm. Đặc biệt, Công ty sẽ ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh việc phục hồi các vườn tiêu của huyện Cam Lộ, nông dân huyện Vĩnh Linh đã chủ động đầu tư tái canh cây hồ tiêu theo mô hình trồng tiêu sạch nhằm hướng đến việc phát triển loại cây trồng này một cách ổn định và bền vững. Xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu nhiều nhất huyện. Hiện xã đã trồng mới khoảng 3 ha tiêu. Mô hình trồng tiêu sạch ở Vĩnh Kim được thực hiện theo quy trình chăm sóc bằng phương pháp sinh học. Nông dân chỉ sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây tiêu khi mới trồng. Các loại phân hóa học hầu như ít được sử dụng trong thời kỳ cây sinh trưởng và phát triển, nhờ vậy, đã tạo cho đất tơi xốp, nhiều vi sinh có lợi phát triển giúp cải tạo môi trường sống trong đất, làm hệ sinh thái trong đất phát triển phong phú hơn giúp cây tiêu phát triển tốt. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, các hội nghề nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt là các kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc vườn tiêu như ICM, kỹ thuật canh tác sinh học... Nhờ vậy, các vườn tiêu đều được trồng mới, bà con trao đổi kinh nghiệm cho nhau để nhân rộng mô hình. Ngành chức năng huyện Vĩnh Linh cũng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân lập mới hoặc tái canh vườn tiêu. Do đó, nông dân đã có đủ thực lực để phát triển cây tiêu một cách bền vững.
Bài và ảnh: Trần Tĩnh