Theo đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong những năm qua không ngừng tăng. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Sơn La phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Sơn La là tỉnh miền núi vùng cao với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thời gian qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế nói chung và bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên nói riêng, đã giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh học sinh, sinh viên mỗi khi con em phải vào viện.
Em Tòng Thị Vui, học sinh khối 5 trường Tiểu học Mường Khiêng 1 (huyện Thuận Châu) là một trong nhiều trường hợp được hưởng lợi trực tiếp từ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Anh Tòng Văn Tiệp, bố em Vui chia sẻ: Gia đình anh thuộc hộ nghèo của bản Kềm, xã Mường Khiêng. Khi con gái bị viêm ruột thừa phải vào viện cấp cứu, gia đình anh rất lo lắng vì chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng triệu đồng. Được bảo hiểm y tế chi trả, gia đình anh bớt nỗi lo viện phí, tập trung chăm sóc sức khỏe cho con.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Quân cho biết: Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh Sơn La có 264.783 học sinh, sinh viên, trong đó 261.513 em đã tham gia bảo hiểm y tế, đạt 98.77%, song vẫn còn 3.270 em tương ứng 1,23% chưa tham gia bảo hiểm y tế dù được ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương hỗ trợ với tổng mức tiền lên tới 50%. Đối tượng này tập trung ở một số xã của các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai; đặc biệt là các xã mới được công nhận nông thôn mới và xã không được xác định là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tại huyện Thuận Châu, trường Tiểu học Lái Lè (xã Phổng Lái) có tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế thấp nhất trong năm học 2017 - 2018, với tỷ lệ chỉ đạt 22,83%. Trước đó, trường luôn đạt 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.
Bà Trương Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lái Lè lý giải nguyên nhân từ năm 2017, xã Phổng Lái đã được công nhận nông thôn mới, không còn nằm trong danh sách vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. 100% học sinh của trường trước đây được hỗ trợ cấp, phát bảo hiểm y tế theo đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nay không được hỗ trợ nữa. Dù rất mong muốn cho con em tham gia bảo hiểm y tế, nhưng gia đình, phụ huynh học sinh không đủ điều kiện kinh tế.
Cũng theo bà Thoa, năm học 2017 - 2018, ngoài 22 em được cấp, phát bảo hiểm y tế theo diện hộ nghèo, chỉ có 36/232 em mua bảo hiểm y tế theo đối tượng học sinh. Dự kiến, năm học 2018 - 2019, số học sinh mua bảo hiểm y tế theo hình thức này chỉ có hơn 10 em.
Ông Quàng Văn Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thuận Châu cho biết, thời gian qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế có tăng, tuy nhiên vẫn có những trường hợp đến bệnh viện không có bảo hiểm y tế. Nếu có thẻ bảo hiểm y tế, các em được chi trả về chi phí khám chữa bệnh, dịch vụ y tế, thuốc theo quy định của Nhà nước. Trong khi điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn còn hạn chế, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, phụ huỵnh học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi con em nhập viện.
Bảo hiểm y tế là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, cũng như phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Thế Quân, ngay từ đầu năm học 2018 - 2019, các đơn vị bảo hiểm xã hội đã phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động ở từng trường học trên địa bàn; bố trí cán bộ bảo hiểm xã hội cùng các trường đối thoại trực tiếp với phụ huynh học sinh, sinh viên về chính sách bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi và trách nhiệm của học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế.