Tôi chỉ thích cô y sĩ Vừ châm cứu mỗi khi phải vào điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Cô ấy khéo hỏi han, nói chuyện, lại mát tay nên khi châm cứu không thấy đau buốt”. Đó là tâm sự của anh Quàng Văn Chung (bản Nà Hốc, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu) về cô y sĩ Vừ Thị Chứ - Khoa Châm cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Anh Chung bị tai biến mạch máu não, được gia đình đưa vào viện, phải nằm điều trị nhiều ngày tại bệnh viện để phục hồi chức năng.
“Lời nguyền” của gốc cây cổ thụ
Già làng người Mông ở bản Pá Chả, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, kể rằng: Trước đây, quanh bản Pá Chả là rừng cây to bao quanh. Rừng có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hàng năm, cứ độ xuân sang, hoa đào chúm chím nở, rừng cây tỏa hương, bà con bản người Mông Pá Chả lại sắm lễ đến gốc cây to đầu bản khấn vái để cầu sức khỏe cho cộng đồng. Lễ này gọi là lễ cúng “Thần rừng”. Dân bản tin rằng “Thần rừng” sẽ chở che, mang lại sự bình yên, sức khỏe, thóc đầy bồ, ngô đầy kho cho các hộ đồng bào Mông sống nơi rẻo cao này. Họ cũng tin rằng có “lời nguyền” truyền lại từ xa xưa, nếu kẻ nào phá rừng thiêng của bản, chặt cây cổ thụ sẽ bị “giàng” trừng phạt, sinh ra con cháu sẽ bị què tay, liệt chân.
Y sĩ Vừ Thị Chứ chăm sóc bệnh nhân. |
Một lần, bà con sơ sẩy để ngọn lửa đốt nương cháy lan sang khu rừng thiêng của bản, cháy luôn cả cây “thiêng” nơi thờ cúng hàng năm của bản.
Không biết lời nguyền đó có ứng nghiệm hay không, nhưng trong bản đã xuất hiện người dính bệnh bướu cổ, một số trẻ sinh ra thì không bình thường, có trẻ bị bại liệt, nhiều cặp vợ chồng người Mông đã bỏ bản, chuyển nhà đi nơi khác để tránh họa. Trong số trẻ không may tật nguyền này có bé Vừ Thị Chứ, sinh ra đã bị di chứng liệt hai chân. Nhìn đứa con tuổi lên ba mà chưa biết đi, lúc đầu gia đình họ Vừ hoang mang lắm. Nghĩ rằng họ Vừ bị “giàng” (trời) trừng phạt bởi lời nguyền từ việc làm cháy khu “rừng thiêng” của bản năm nọ.
Vượt qua tật nguyền
Ngày ấy, ở xã vùng rẻo cao Co Mạ, chuyện các bé gái người Mông đến trường học cái chữ hiếm lắm. Cô bé Chứ thấy bạn cùng trang lứa cắp sách đi học, mắt cứ dõi theo, rồi đòi nằng nặc bố mẹ cho đến lớp học. Thương con, nghĩ sau này lớn lên con mình không có sức làm nương vì chân bị liệt, nên gia đình ông Vừ cũng mang con đến lớp xem sao. Thời gian đầu, lớp học còn ở bản, rồi ở trung tâm xã. Đôi chân tật nguyền của Chứ càng ngày càng phải bước xa hơn mỗi lần chuyển lớp, chuyển cấp học, nhưng dù phải vượt qua cả con đường mòn dài vắt ngang sườn núi trước bản để đến trường, cô bé Chứ vẫn không nản. Rồi bố mẹ Chứ xin cho con được xuống núi vào học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thuận Châu. Vượt qua dần cảnh tật nguyền, Chứ đã tốt nghiệp trung học phổ thông.
Từ một cô bé tật nguyền ở một bản vùng rẻo cao hẻo lánh đã nỗ lực vượt khó, để bây giờ trở thành nữ y sĩ châm cứu giỏi, có công ăn việc làm ổn định tại thành phố Sơn La, nên gia đình, họ hàng của Chứ tự hào lắm. Chứ tâm sự: “Cái chữ thì bố mẹ, thầy cô giáo cho, còn mơ ước làm nghề y thì bà nội cho”. “Tại sao vậy”, có người hỏi Chứ. Chứ kể: “Cứ mỗi lần bà nội em đau người, em lại xoa bóp chân tay và lưng cho bà. Mỗi lần như vậy, bà nội em lại bảo, tay cháu mềm mại, xoa bóp cho bà dễ chịu lắm, chắc tay này làm y tá chăm sóc cho người ốm thì thích lắm đấy”. Có được lời động viên của bà nội, nên sau khi học xong trung học phổ thông, Chứ đã đăng ký và thi đỗ vào Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ra trường, Chứ được nhận công tác tại Khoa Châm cứu Bệnh viên Y học cổ tuyền tỉnh Sơn La. Với tình yêu nghề nghiệp, đam mê học hỏi và trái tim biết chia sẻ, cùng đôi tay mềm mại để chăm sóc bệnh nhân, Chứ đã góp phần xoa dịu những mệt nhọc, sự đau đớn của bệnh nhân trong bệnh viện để họ vượt lên chữa khỏi bệnh. Chứ chia sẻ: “Bản thân em đã thấu hiểu nỗi đau của đôi chân không lành lặn, nhưng mình còn đôi tay để chăm sóc, động viên cho bệnh nhân, giúp họ vươn lên, vượt qua nỗi đau bệnh tật, kiên nhẫn chữa khỏi bệnh”.
Bác sĩ Phạm Thị Xuân - Trưởng khoa Châm cứu Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La cho biết: Y sĩ Vừ Thị Chứ có nghị lực phi thường, vượt qua tật nguyền để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không quản ngại vất vả, vẫn tham gia trực đêm như những đồng nghiệp khác. Y sĩ Chứ luôn được đồng nghiệp tin tưởng, mến phục, là tấm gương “Lương y như từ mẫu” của bệnh viện.
Điêu Chính Tới