Trong cộng đồng của đồng bào Khmer, ngoài các tăng lữ, những người có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào chính là các vị Achar; những người có uy tín trong phum sóc, được xem là “đầu tàu” cho những thiết chế về đạo đức, lối sống trong các phum sóc Khmer.
Chính sự nhiệt huyết của các vị Achar mà truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào Khmer luôn được củng cố và phát huy. |
Achar của phum sóc phải là người đã tu học nhiều năm trong chùa, có đạo đức, có vốn sống và sự hiểu biết sâu sắc về Phật pháp, phong tục tập quán... Achar có thể là tăng lữ hay người thường (hoàn tục sau một thời gian đi tu). Danh xưng "Achar" là cách gọi kính trọng của mọi người trong phum sóc đối với những người như thế.
Hàng năm, sau ngày Đại lễ Phật đản, tại các chùa Khmer đều có người vào chùa tu học. Để dạy chữ và giáo lý cho những tăng sinh mới, các chùa đều mở các lớp dạy chữ Khmer và Phật pháp. Thông thường, các chùa sẽ khai giảng các lớp sơ cấp Paly (lớp 1, 2, 3) và lớp Thoma Viney (giáo lý). Đây là những lớp căn bản được các chùa tổ chức do các vị Achar trong và ngoài phum sóc giảng dạy. Các lớp sơ cấp Paly, Thoma Viney là những lớp nền căn bản, tạo tiền đề cho các tăng sinh thi tuyển vào học tại Trường Bổ túc văn hóa Trung cấp Paly Nam bộ (tại thành phố Sóc Trăng). Trung bình mỗi năm, có gần 20 chùa Khmer ở Sóc Trăng tổ chức các lớp sơ cấp, mỗi lớp có từ 15 - 80 tăng sinh học tập, các lớp sẽ kéo dài từ 6 - 9 tháng.
Do am hiểu Phật học nên các vị Achar luôn được các bổn tự thỉnh dạy. Vốn xuất thân từ Phật môn nên cách dạy của họ cũng đậm chất Phật môn. Người trước truyền cho người sau những kiến thức cơ bản, rồi đến nâng cao. Việc dạy của các vị Achar được xem là việc làm quả phúc cho chính họ và cho gia đình, xã hội. Dù không hề có lương bổng, nhưng họ vẫn cống hiến hết mình cho bổn tự và phum sóc.
Theo lời chỉ dẫn của bà con ở ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, chúng tôi tìm đến vị Achar đã dành gần trọn cuộc đời hết lòng gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc, hay người dân thường gọi là "Lục Kru" (ông thầy).
Không có tiền lương, không tiền trợ cấp, nhưng ngày ngày Achar Thạch Kết vẫn lặn lội đến chùa để dạy chữ Pali cho các vị sư trong chùa của huyện Long Phú và Trần Đề. Theo ông: “Đã từng ăn cơm chùa thì giờ trả lại đức cho chùa”, cách nghĩ của ông cũng bình dị như những Achar người Khmer khác. Hiện, dù tuổi đã gần 80, nhưng ngày ngày, Lục Kru vẫn âm thầm chạy xe trên những con đường đến các chùa để dạy chữ Pali cho các sư học trong chùa trong tỉnh. Theo ông, có kiến thức thì không nên lãng phí, nên được cống hiến và góp một phần công sức cho xã hội.
Không chỉ dạy chữ Pali cho tăng sinh ở các chùa Bưng Triết, Pđau Pên, Tức Pray (huyện Trần Đề)..., Lục Kru còn dạy tiếng Anh cho con em ở phum, sóc.
Tại chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên), cứ mỗi khi năm học bắt đầu cũng là lúc thầy Lâm Tung (hiện là giáo viên dạy tại trường Trung cấp Paly Nam bộ) đem hết mọi “nguồn sáng” của mình truyền lại cho những tăng sinh trẻ mới tu học. Với thầy, dù phải dạy cả hai nơi và tuổi đã già, nhưng không năm nào việc học của tăng sinh tại chùa phải “tắt lửa”. Đáng quý hơn, dù nhà ở địa phương khác lại cách chùa hàng chục cây số, nhưng đều đặn các buổi chiều, thầy vẫn có mặt trên lớp giảng dạy.
Sóc Trăng hiện có 92 ngôi chùa Khmer trải đều tại các phum sóc trong tỉnh. Các chùa Khmer không chỉ là nơi để đồng bào Khmer học tập, sinh hoạt tôn giáo, lưu giữ văn hóa... mà còn là nơi góp phần tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào được nhanh chóng và chính xác. Trong đó, đóng góp của những người thầy thầm lặng đáng được vinh danh đầu tiên.
Bài và ảnh: Chanh Đa