Người dân khu tái định cư thiếu nước sản xuất

Gần 7 năm qua, 100 hộ dân sống tại khu tái định cư Huổi Lực 1 và 2 xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) vẫn sống trong cảnh thiếu ăn, đói nước, cuộc sống khó khăn khiến nhiều hộ phải bỏ bản để trở về nơi ở cũ. Điều đáng nói là khu tái định cư này chỉ cách trung tâm huyện Tủa Chùa hơn 2 km.


Trăm sự nhờ… trời


Dù đã được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hồ sông Ún, nhưng những năm qua, người dân khu tái định cư Huổi Lực vẫn chỉ sản xuất nông nghiệp theo… thời tiết. Công trình do Ban Quản lý dự án di dân tỉnh Điện Biên đầu tư xây dựng năm 2006 với nguồn kinh phí 14 tỷ đồng và 4 tỷ đồng sửa chữa. Theo quy hoạch, công trình này có thể cung cấp nước tưới tiêu cho 25 ha lúa vụ đông - xuân và 50 ha lúa vụ hè - thu. Thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa bao giờ hồ sông Ún được “no” nước để có thể cung cấp nước sản xuất cho người dân. Đường mương nội đồng xây dựng để dẫn nước từ hồ sông Ún xuống cánh đồng cây dại mọc um tùm, đất đá ngổn ngang. Mặc dù những ngày qua mưa khá nhiều do ảnh hưởng của bão nhưng hồ sông Ún vẫn không thể đầy nước mà chỉ ở mức trung, lượng nước chưa dâng lên đủ để có thể ngập được cống dẫn nước chính. Theo như người dân sinh sống xung quanh hồ thì đây là lần đầu tiên hồ sông Ún tích được nhiều nước như vậy.


Anh Giàng A Tính ở bản Huổi Lực 1, cho biết: “Hồ sông Ún chưa khi nào được đầy nước, mùa mưa còn có nước chứ mùa khô thì nước cạn, người dân trong bản không có nước để trồng lúa. Gia đình tôi có 8 khẩu, gần 2.000 m2 đất trồng lúa mà chỉ làm được một vụ mùa vì không có nước. Nhiều ruộng ở cao, mùa mưa nước hồ cũng không thể dẫn tới, bỏ hoang mấy năm nay”.


Nguồn nước khan hiếm, người dân ở đây chỉ còn cách cầu cứu… ông trời. Thời tiết mưa nhiều thì hồ sông Ún có nước, ruộng đồng cũng được tưới tiêu. Khi trời nắng, nhiều ngày không mưa thì những cánh đồng chỉ còn trơ đất với màu vàng của lúa do bị cháy khô. Người dân trong bản nói với nhau, nhờ ba cơn bão số 5,6 và 7 thời gian gần đây nên ruộng đồng mới được cứu, hồ sông Ún mới có nước để tưới tiêu cho cánh đồng. Việc sản xuất lúa một vụ của người dân khu tái định cư cũng không thuận lợi mà phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, hiện chỉ sản xuất được khoảng 40/50 ha đất lúa.


Lý giải nguyên nhân thiếu nước ở khu tái định cư Huổi Lực, ông Đỗ Xuân Huấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Hồ sông Ún qua 6 năm sử dụng chưa tích được nước, nguyên nhân là do diện tích mặt lấy nước hẹp. Qua kiểm tra, lòng hồ được cho là ngấm nước, khi lượng nước trong hồ nhiều thì áp suất cao khiến đáy hồ không giữ được và nước ngấm ra ngoài. Cũng theo ông Huấn, hồ sông Ún được xây dựng để phục vụ cho người dân hai bản tái định cư Huổi Lực 1 và 2. Thế nhưng lại xảy ra tình trạng tranh chấp, nhiều dân ở những bản khác trong xã Mường Báng như đội 8, đội 9 và đội 2 cũng tranh giành sử dụng nguồn nước từ hồ để sản xuất khiến nguồn nước đã khan lại càng thêm hiếm.


Không chỉ thiếu nước sản xuất, người dân khu tái định cư Huổi Lực còn không có nước để sinh hoạt. Hệ thống đường ống dẫn nước sạch bị hỏng từ lâu chưa sửa chữa, mỗi hộ gia đình đều phải xây bể chứa nước, dùng đường ống dẫn nước mưa từ mái nhà. Những cái bể quá nhỏ so với nhu cầu sử dụng từ tắm giặt đến ăn uống nên chỉ đủ phục vụ cho gia đình được vài ngày. Hàng ngày, người dân Huổi Lực phải xách can, xách xô ra trung tâm xã chở nước về để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Họ chỉ còn biết trông trời mưa để có nước sinh hoạt và sản xuất.


Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ


Trong số 100 hộ dân của 2 bản tái định cư Huổi Lực 1 và 2, có đến 80 hộ chuyển đến từ Pắc Na, xã Tủa Thàng theo Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La của Chính phủ năm 2006 và 20 hộ dân sở tại. Cái được ở nơi tái định cư trước tiên là văn hóa, gần trung tâm huyện, sống ở nơi đông dân cư là cơ hội để họ làm quen với văn hóa tiến bộ thay vì cuộc sống ở bên vùng sông Đà hung dữ, thưa thớt người. Đến nơi ở mới, giao thông đường nhựa băng băng, điện thắp sáng đến từng hộ gia đình, trường học, y tế cũng thuận tiện. Hạ tầng kỹ thuật thuận tiện là thế nhưng nguồn nước thì nơi đây lại rất nghèo nàn.


Chị Tòng Thị Ón bản Huổi Lực hai cho biết: “Trước khi chuyển về đây, ở Pắc Na đất trồng lúa rất nhiều, nước thì không bao giờ thiếu vì ở gần sông Đà. Chuyển về đây được đường sá thuận tiện, nhưng cái gì cũng phải mua mà lại không làm ra tiền. Trước kia còn có lúa, có ngô để mà bán chứ bây giờ lúa làm được một vụ nên ăn còn không đủ, ngô cũng năng suất thấp. Ruộng được chia ít nên không trồng được nhiều loại cây, cuộc sống khó khăn hơn nhiều lần”.


Cả khu tái định cư có 100 hộ dân thì có đến 49 hộ nghèo, trong đó có những hộ còn đói chạy bữa. Nhiều hộ không chịu được cảnh khó khăn nên đã bỏ bản trở về nơi ở cũ. Theo trưởng bản Huổi Lực 2, Điêu Chính Luyến, cả bản đã có hơn 10 hộ bỏ về Pắc Na; bản Huổi Lực 1 cũng đã có ba hộ bỏ bản về nơi ở cũ.


Ông Lò Văn Siện, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Người dân khu tái định cư chuyển đến từ tháng 12/2006 nhưng năm 2009 mới được cấp đất sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nước sinh hoạt và nước sản xuất thiếu thốn khiến người dân không thể phát triển kinh tế, từ khi bị cắt hỗ trợ gạo cứu đói nhiều hộ đã rơi vào tình trạng thiếu ăn. Lãnh đạo xã và huyện Tủa Chùa đã vận động, tham khảo và đưa nhiều loại cây trồng ở đất khô giúp người dân phát triển kinh tế, đến nay cũng đã bớt phần khó khăn.


Để giúp các hộ khu tái định cư thoát nghèo, huyện Tủa Chùa đã có nhiều chính sách như hỗ trợ gạo cứu đói với mỗi khẩu 15kg/tháng trong vòng 3 tháng của năm 2013, đưa các loại giống cây trồng mới như lạc, ngô lai, đậu tương cho năng suất khá cao. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng đã đưa vào thí điểm một số mô hình sản xuất như cây cà phê, khoai tây nhưng chưa mang lại hiệu quả. Đây cũng đang là vấn đề nan giải bởi người dân chỉ quen trồng lúa nương, lúa nước và ngô thì việc trồng màu, trồng cây công nghiệp dài ngày chưa thể thích nghi.


Dù đã đưa ra nhiều mô hình sản xuất và có nhiều chính sách ưu tiên cho người dân khu tái định cư Huổi Lực, nhưng bà con vẫn chưa thể yên tâm sản xuất vì thiếu nguồn nước. Người dân chỉ có một mong muốn là có đủ nước để cải tạo đất sản xuất. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã giao cho huyện Tủa Chùa 10 tỷ đồng để tiến hành sửa chữa tình trạng thẩm thấu của hồ sông Ún, cung cấp đủ nước tưới tiêu cho người dân bản tái định cư Huổi Lực. Trên hết, hồ sông Ún cần được tiến hành sửa chữa để có thể cung cấp đủ nước cho người dân tái định cư làm lúa nước hai vụ, giúp người dân thoát nghèo và vươn lên, tránh tình trạng bà con phải bỏ về nơi ở cũ.

Xuân Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN