Hiện tại, vấn đề này không ảnh hưởng nhiều đến các điểm trường vùng cao Lào Cai nhờ sự chủ động của toàn ngành giáo dục từ khi kết thúc năm học trước, cộng với mô hình trường bán trú dân nuôi phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, về lâu dài, sách vở và đồ dùng cho học sinh nghèo Lào Cai vẫn tiếp tục là nỗi lo không mới.
KỲ 1: TRƯỜNG BÁN TRÚ CHƯA BỊ ẢNH HƯỞNG NHIỀU
Tại huyện Si Ma Cai và Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), hai trong 63 huyện nghèo của cả nước, số học sinh đến trường vẫn đạt tỷ lệ cao, từ 95% đến 98%. Mô hình trường bán trú tại đây không những duy trì được tỷ lệ chuyên cần, mà còn giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực như thiếu sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh... sau khi Nghị định 74 chấm dứt.
Học sinh trồng rau xanh cải thiện bữa ăn. |
Theo thầy Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, huyện có 30 điểm trường tiểu học và THCS, thì có tới 25 điểm trường thực hiện theo mô hình bán trú. Các em ăn nghỉ tại trường, nên rất thuận lợi cho việc chia nhóm, chia tổ học tập, khắc phục được tình trạng thiếu sách vì các em có thể học chung, hoặc mượn thư viện nhà trường để học, hết buổi thì trả. “Học ở trường bán trú, bố mẹ các em không phải lo mua sắm sách đầu năm học mới, kể cả khi Nhà nước không hỗ trợ phần kinh phí mua sách vở và một số đồ dùng cần thiết khác, ngoại trừ về lâu dài, sách cũ rách nát hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo có thay đổi sách giáo khoa thì mới phải sắm mới, sắm thêm”, thầy Nhâm Tiến Đức cho biết.
Học sinh trường THCS bán trú xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai dọn dẹp phòng ở. |
Trường bán trú trung tâm xã Sín Chéng có số lượng học sinh đông nhất so với 13 xã của huyện Si Ma Cai với hơn 300 học sinh các cấp tiểu học và THCS, trong đó có tới 70% là bán trú; hầu hết là con em đồng bào dân tộc Mông, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Hơn ai hết, các thầy cô giáo vùng cao hiểu rõ nhất một đạo lý: Có chuyên cần là có tất cả. Bước vào năm học này, Nghị định 74 hết hiệu lực, các em không còn được hưởng một số chính sách ưu đãi như mấy năm trước, nhưng việc này vẫn chưa thấy tác động đáng kể gì đến tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập của các em.
Thầy Lê Chính Luận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà cũng khẳng định: Nghị định 74 về hỗ trợ điều kiện thiết yếu cho học sinh vùng cao đến trường hết hiệu lực, trước mắt không ảnh hưởng gì lớn đến chất lượng học tập cũng như tỷ lệ chuyên cần của học sinh vùng cao - nhất là nơi có mô hình bán trú phát triển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
(Còn tiếp)
Kỳ cuối: Cần có chiến lược lâu dài