Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2015, vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo tiêu chí mới); giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng; đảm bảo trên 90% hộ dân có đủ điện, nước sinh hoạt; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; chấm dứt tình trạng di cư tự do...
Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các huyện xây dựng mô hình và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong sản xuất, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, nhất là chăn nuôi, bảo vệ phát triển rừng, làm giàu từ kinh tế đồi rừng.
Mặt khác, tỉnh tổ chức đào tạo, dạy nghề, dịch vụ việc làm cho thanh niên; khôi phục và phát triển các nghề truyền thống để sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào; nâng cao công tác giáo dục và đào tạo, nhất là trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện tốt công tác cử tuyển, dự bị đại học để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ; chú ý nâng cao chất lượng giáo viên, người địa phương, người dân tộc. Về y tế, tỉnh nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo cán bộ y tế tại chỗ và cán bộ thôn bản người dân tộc...
Trong 4 năm qua, Nghệ An được đầu tư nhiều chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chương trình 135 giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 729 tỷ 617 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 720 tỷ 920 triệu đồng, còn lại ngân sách địa phương và người dân đóng góp.
Từ nguồn vốn này, tỉnh xây dựng gần 236 km đường giao thông liên thôn, liên xã; 21 cầu, cống giao thông; hơn 63 km kênh mương cứng; trên 100 km đường dây điện; 27 trạm biến áp; hơn 600 phòng học kiên cố; 24 trạm y tế; 176 nhà sinh hoạt cộng đồng; 65 công trình cấp nước sinh hoạt..., góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn nói riêng và miền núi dân tộc nói chung...
Viết Hùng