Ngẩng cao đầu tiễn Đại tướng ra đi...

Một ngày dài chia tay, một đêm trắng canh giấc ngủ cuối cùng của Người và một buổi sáng tiễn biệt Người đi trong tràn đầy nước mắt. Hà Nội đã sống với Người hai ngày trọn vẹn nhất...


Đêm trắng tiễn đưa


Đêm Mười Hai Tháng Mười, nhà số 5 Trần Thánh Tông và nhà 30 Hoàng Diệu đều không ngủ. Những con phố Hà Nội cũng không ngủ. Cùng với nồng nàn hoa sữa, Hà Nội trắng đêm tiễn biệt Người...

Nhân dân tiễn đưa Đại tướng trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn. (Ảnh chụp trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Nến đã được thắp lên ở nhà số 30, từ rất sớm. Nến của những người đi tiễn Đại tướng mang đến, một cây, vài cây, vài chục cây, rồi vài trăm cây. Những cây nến mảnh mai, những cốc nến lung linh, những bông hoa sen nến đầy ý nghĩa... cùng "dìu dặt" trong đêm, như thèm ru giấc ngủ cho Người. Những cây nến, như những trái tim muôn người, cùng hướng về nơi ấy. Có những bạn trẻ, cũng không hẳn là hẹn, nhưng cùng cảm xúc mà nên, thắp nến thành hình con số 103, số tuổi Người... Nến cháy và nến thắp lên ngọn lửa đã được nuôi dưỡng trong bóng đêm. Để đêm bừng sáng lên!


Nhà số 5 cũng không ngủ. Phía trong kia, Người nằm đó, lá Quốc kỳ lụa phủ kín quan tài. Lá Quốc kỳ mà Người đã hy sinh cả tuổi trẻ, cả những ước mơ và khát khao rất riêng, để tranh đấu và giành lấy vì dân, vì nước. Nay Người nằm xuống, Quốc kỳ lại chở che Người. Và vì Người đã chiến đấu bao năm vì dân, nên đêm Mười Hai Tháng Mười, toàn dân cũng đã thức, canh giấc ngủ cuối cùng trên đất Rồng Thiêng cho Người....


Những dòng người cứ ken dầy cổng số 5 trắng đêm Mười Hai là vì thế. Có người đã được vinh dự và may mắn hòa vào dòng người bái lạy trước linh cữu của Người. Cũng có người còn chưa kịp đặt chân tới được con phố Trần Thánh Tông vì hàng xếp dằng dặc quá. Tất cả cùng thấy, rời đi là không thể, dù cánh cổng Nhà tang lễ đã khép lại rồi. Trong kia có Người. Sau cánh cổng kia là Người. Sáng Mười Ba thôi, tức là chỉ còn tính bằng tiếng thôi, đoàn xe tang và chiếc xe pháo kéo, sẽ tiễn Người ra sân bay. Chiếc máy bay mang số hiệu tuổi của Người, sẽ chở Người về với quê hương Quảng Bình, nơi cũng có hàng triệu trái tim cũng đang mong Người từng giờ, từng phút. Thế nên, đêm Mười Hai là đêm tiễn biệt. Đêm để nói nốt những cảm xúc chất chứa trong lòng, những cảm xúc lúc nào cũng chực trào ra suốt từ ngày Mùng Bốn Tháng Mười, khi một Trái Tim Lớn ngừng đập.



Người dân kết hoa quanh ảnh Đại tướng để viếng Người.


Hà Nội đã trắng đêm, sau một Hà Nội đã trắng ngày. Ngày Mười Hai là ngày để chia tay, ngày Mười Ba là ngày để tiễn biệt. Chia tay không ngày gặp lại, nên cảm xúc càng mãnh liệt và khát khao. Dòng người nối dài trên đường Hoàng Diệu những ngày trước đây, vì thế giờ đổ về khu vực xung quanh Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Những con phố Lê Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ, Hàng Chuối, Phạm Đình Hồ đều nêm chặt người xếp hàng, dòng người hòa vào nhau, không tìm ra điểm khởi đầu và cũng không tìm ra điểm kết thúc. Nhiều người, đã gần 10-12 tiếng chờ đợi tại đây, nhưng nhất định không rời hàng lối, bởi đã "nhất tâm" là phải vào viếng Đại tướng. Có những người, được người nhà đến "tiếp ứng", mang theo đôi dép để đi cho dễ đứng, mà tay vẫn khư khư chiếc túi đựng đôi giày, để "tí vào tới nơi tôi sẽ đi giày lại, viếng Bác thì không thể thiếu nghiêm chỉnh được". Cũng có những gia đình, vợ chồng, con cái… cùng đứng xếp hàng, tay ôm bó hoa cúc vàng rưng rưng...

 

Phố Lò Đúc ngày ngày vẫn đông, nhưng giờ đông đặc biển người. Tất cả những địa điểm có thể dùng để làm bãi đỗ xe, đều đã tận dụng, xe đã phải chui vào ngõ ngách, thế mà vẫn có những người phải tần ngần quay xe đi tìm chỗ gửi khác. Từ những con ngõ - người tỏa ra, trên vỉa hè - người đi bộ nườm nượp, rồi túm tụm chờ nhau. Những bộ quần áo đẹp nhất, trang trọng nhất, ý nghĩa nhất đã được mang ra để mặc. Những cựu quân nhân, tự tay lục hòm quần áo, trang trọng mang ra bộ quân phục cài kín huân, huy chương để mặc đi viếng vị Tổng Tư lệnh của mình. Những người cán bộ, nghiêm trang trong bộ comple, dù mồ hôi ướt đầm trên trán, lặng lẽ đứng bên đường… Những đoàn cả bà, cháu, mẹ con, gần chục người phụ nữ, cùng một bộ áo dài đen vừa may giống nhau, chậm rãi tiến vào xếp hàng… Những chiếc áo đen xuất hiện thật nhiều, có người, thậm chí vừa mua vội chiếc áo để đi viếng Đại tướng, bởi lâu nay trong tủ quần áo của mình toàn những chiếc áo nhiều màu. Chị chủ cửa hàng cắt tóc Minh Huyền trên phố Phan Huy Chú, ngày thường bận rộn thế, hôm nay cũng quyết định đóng cửa, cùng người em gái tất tả trong trang phục quần đen, áo đen, cài băng tang đen… hòa vào dòng người xếp hàng đi viếng Bác.


Băng tang đen đã xuất hiện trên rất nhiều ngực áo. Người ta đi viếng Đại tướng, như viếng một người thân, cảm xúc lạ lắm và lan truyền lắm. Ai cũng thành người một nhà, lạ thế. Những câu chuyện và sự kết nối cũng đến rất đỗi tự nhiên. Người vinh dự có kỷ niệm với Đại tướng thủ thỉ kể cho người xung quanh nghe. Người đã từng đọc những câu chuyện về Đại tướng cũng lại chia sẻ. Những bức ảnh trên facebook cũng được cùng nhau xem. Xa lạ rồi thành thân, nhanh hơn bất cứ lúc nào…


Có những cựu chiến binh, khuôn mặt gân guốc, ngực cài huy chương lấp lánh, cứ kể, cứ nói suốt cả hành trình - nói như nói cho riêng mình nghe nữa. Ông kể, ông ở tận nơi xa về viếng Đại tướng, đã tới viếng tại nhà Đại tướng rồi, giờ lại đến đây để xếp hàng vào viếng. Ông cũng kể về những ngày còn là chiến sĩ, chiến đấu trên mặt trận Điện Biên, dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Ai cũng nhìn ông với một cảm giác khâm phục và kính trọng. Lâu lắm rồi mới thấy quá khứ được nghe như nuốt từng lời.

Bức thư pháp của cựu chiến binh Lâm Ngọc Hiếu.


Rất nhiều người, mang theo những "món quà" tự tay mình làm để dâng tặng Đại tướng. Cựu chiến binh Lâm Ngọc Hiếu, người nổi tiếng với nghệ thuật thư pháp, mang tới viếng Bác bức thư pháp có dòng chữ "Thánh Tướng - Đại tướng, đại tài, đại nhân nghĩa" còn chưa ráo mực. Rồi những cựu sinh viên trường Kiến trúc và Xây dựng, thức trắng đêm trước cửa nhà Đại tướng để vẽ bức chân dung Đại tướng bằng chì, kính dâng Đại tướng… Những vật phẩm này đều được giơ lên cao, như tiếp thêm sức mạnh cho đoàn người đang tiến dần về phía nhà tang lễ...


Ngày tuôn nước mắt


Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi trong hành trình tiễn Đại tướng từ nhà tang lễ ra sân bay Nội Bài. Sớm lắm, đã thấy mọi người gọi nhau như lời hẹn từ những ngày trước, để cùng ra đường, xếp hàng chờ xe tang đi qua. Theo kế hoạch, phải 9 giờ hơn, xe tang mới đến ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, nhưng từ 6 giờ chân cầu vượt vừa khánh thành đã nêm người xếp hàng và kiên nhẫn dõi theo từng bước của hành trình trên điện thoại để có thể đón đoàn chu đáo nhất. Khi đoàn xe tới nơi, một không khí lặng im phăng phắc, người giơ tay vẫy, người vái lạy. Rồi khi xe tang xuất hiện, trong cái màu đỏ rực của Quốc kỳ phủ quan tài Người, cả đám đông đồng lòng hô vang "Muôn năm". Tiếng hô làm người ta rơi nước mắt và như một luồng điện chạy qua người. Muôn năm là đây chứ là đâu!


Lòng dân đã yêu ai thì là yêu nhất mực. Xưa có Bác Hồ, và nay có Bác Giáp. Cả dọc hành trình có chỗ nào mà vắng người đâu, cả dọc hành trình người dân chào Bác, biết là vĩnh biệt, nhưng lại cũng giống như chỉ là tạm biệt. Những cánh tay giơ lên vẫy dù không ai bảo ai cùng tiếng hô to "Đại tướng ơi" trên phố Tràng Tiền. Những tình nguyện viên đồng loạt quỳ xuống lạy Người, tay nắm lại đặt trên ngực trái, trên phố Hoàng Diệu. Những chiến sĩ quân đội trẻ măng khóc rưng rức không kìm nén nổi. Những nữ chiến sĩ công an giơ tay chào Người theo tác phong quân đội mà lệ chảy dài... Rồi những cụ già, đầu chít khăn mỏ quạ, tay giơ chào "theo kiểu nhà binh" nên còn lóng ngóng, cứ một mực gọi Đại tướng là "Cha ơi...".


Giữ chắc tay máy để quay từ công tác chuẩn bị tới khi đoàn xe qua hết, trong bộ trang phục đen trang nghiêm, chị Châu Long, cán bộ Tổng cục kỹ thuật - Bộ Quốc phòng, chia sẻ rất chân thành: "Tôi quay không phải cho tôi, mà cho những chị em trong đơn vị tôi, những người không có cơ hội được chứng kiến trực tiếp tang lễ của Đại tướng. Chúng tôi cũng đã định tổ chức đoàn tới viếng Người, nhưng lại nghĩ còn bao người dân ở nơi xa về Hà Nội để viếng, nếu thêm chúng tôi, có nghĩa là bớt cơ hội của đồng bào, thế nên chúng tôi chỉ tổ chức viếng tại cơ quan, cùng lúc với lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, quê hương Quảng Bình và Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. Lễ viếng rất trang trọng và xúc động, chúng tôi ai cũng òa khóc, tiếc thương vị Tướng của quân đội mình".


Còn với anh Doãn Đình Tiên, người đã lặn lội từ Giao Thủy (Nam Định) lên viếng Đại tướng, cảm xúc cũng rất đặc biệt. Là cựu quân nhân và đang làm ruộng ở quê, nhưng nghe tin Đại tướng mất, anh đã lặn lội lên Hà Nội với duy nhất trên người một bộ áo vest và thẻ hương viếng Đại tướng. Biết khó có cơ hội viếng tại Nhà tang lễ, anh đã về số 30 Hoàng Diệu, ngồi chờ suốt đêm ngày Mười Hai Tháng Mười, để sáng sớm ngày Mười Ba được chứng kiến lễ di quan của Đại tướng qua nhà...


Sau hành trình chào Hà Nội mùa thu, một mùa thu đẹp như mùa thu xưa khi Người cùng Bác Hồ về Hà Nội, Người đã ra đi, trở về với đất Quảng Bình quê hương.


Không còn níu giữ hơn được nữa, chúng ta phải xa Người rồi. Sự xa cách không ngày hẹn gặp lại. Nhưng giống như lời Người đã nói: "Cả cuộc đời tôi đã làm hết sức cho Đảng, cho nhân dân, nên tôi không có gì hối tiếc". Chúng ta cũng sẽ không tiếc nuối nữa vì những ngày qua đã được tiếp quản chiến công cuối cùng của Người. Tiếp lửa cho toàn dân trước lúc đi xa!


Dân Tộc Việt Nam rồi sẽ khác từ đây!

 

 Nhóm phóng viên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN