Tính toán khả năng huy động vốn
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình thực hiện ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên; phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển: Địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn); địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II) và địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I).
Dự kiến tổng nguồn vốn Chương trình là 271.935,65 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 134.270,70 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021-2025 là 104.954,01 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 50.629,16 tỷ đồng; vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương là 54.324,85 tỷ đồng.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán thêm về khả năng huy động nguồn vốn, cân đối nguồn vốn của Nhà nước thực hiện Chương trình.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, tổng nguồn vốn đề xuất là con số tối thiểu để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để xác định chính xác địa bàn, đối tượng, nên chưa rõ cơ sở của việc tính toán, định mức làm căn cứ đề xuất nguồn vốn.
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích, làm rõ với hệ thống chính sách dân tộc đã thực hiện giai đoạn 2016-2020 có bao nhiêu chương trình, tổng nguồn vốn đã được bố trí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (đặc biệt là các chính sách do các bộ, ngành quản lý, các chương trình mục tiêu khác).
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản, với nguồn vốn bố trí như hiện nay (thấp hơn nhiều lần đề xuất ban đầu) thì đáp ứng được bao nhiêu mục tiêu của giai đoạn 2021-2030; đồng thời đề nghị nên có cơ chế ưu tiên nguồn vốn viện trợ nước ngoài, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, thu vượt ngân sách... để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về dự kiến tổng nguồn vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ lo lắng “không cẩn thận sẽ thiếu tiền để thực hiện chính sách”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đề ra chính sách mà không có tiền thì nợ chính sách, dẫn đến mất niềm tin của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong kế hoạch đầu tư không chỉ có ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, mà cần bổ sung một phần đóng góp từ nhân dân. “Chúng ta phải luôn quán triệt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhân dân có thể không bỏ ra bằng tiền mà bằng sức, không nhiều thì ít”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, cần tính toán thận trọng nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi. “Đề ra quá nhiều mục tiêu sẽ tản mạn và dẫn đến nợ chính sách, nên tập trung cho các công trình lớn, công trình nào xã hội hóa được thì xã hội hóa”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải phân tích.
Giữ nguyên quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, khoản. Các nội dung đã thống nhất tiếp thu gồm: Tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội; việc quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Luật; đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Các nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội; tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 23); công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 43 và Điều 54); cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 67)...
Liên quan đến tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, ở địa phương còn phải có thêm một số tiêu chuẩn riêng để làm cơ sở cho công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo thấy rằng, việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng, cần thiết. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quá trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ. Hiện tại, ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong các văn bản của Đảng còn đề ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn, giới thiệu, ứng cử đại biểu Quốc hội và phê chuẩn vào các chức danh đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội (như về bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm công tác, uy tín, độ tuổi...). Nếu luật hóa các tiêu chuẩn, điều kiện này để áp dụng chung cho đại biểu Quốc hội thì không phù hợp.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ các nội dung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; đồng thời giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội tái cử...) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu xứng đáng nhất làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.