Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn và đời sống của người dân Kon Plông đã thay đổi rõ rệt. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, người dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nên tự nguyện tham gia các phong trào giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.
Đến cuối năm 2019, huyện Kon Plông đã có một xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Pờ Ê), một xã đạt 17 tiêu chí (xã Măng Cành), hai xã đạt 15 tiêu chí (Đăk Tăng, Ngọc Tem), hai xã đạt 13 tiêu chí (xã Đăk Nên, xã Măng Bút) và hai xã đạt 12 tiêu chí (xã Đăk Ring, xã Hiếu).
Xã Pờ Ê- xã đầu tiên của huyện Kon Plông về đích sớm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 7 thôn, làng với gần 620 hộ, 2.300 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, xã Pờ Ê đã trở thành xã đầu tiên của huyện Kon Plông về đích nông thôn mới với 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Tổng thu ngân sách cả năm gần 5 tỷ đồng, đạt 100% dự toán giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4%, vượt kế hoạch năm đề ra. Đến nay, 7/7 thôn, làng của Kon Plông được công nhận thôn, làng văn hóa; 100% hộ dân trên địa bàn có điện sinh hoạt… Những kết quả tích cực này càng khẳng định nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Pờ Ê vui mừng cho biết: “Dưới sự hướng dẫn của tỉnh, huyện, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập cho người dân, xã đã triển khai công tác tích tụ đất nông nghiệp, hình thành cánh đồng lớn kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên đã phát huy hiệu quả… Từ đó, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, đóng góp vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của xã".
Cũng có những lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã Măng Cành đã và đang có những thay đổi lớn sau khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, xã Măng Cành đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục luôn được quan tâm phát triển sâu rộng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo được thực hiện kịp thời, hiệu quả; đời sống đại bộ phận gia đình nông dân được cải thiện. Các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng đều có mức sống từ trung bình trở lên so với cộng đồng dân cư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%/năm. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu cây trồng vật, nuôi tiếp tục được chuyển đổi mạnh mẽ, một số loại cây trồng mới được đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: cây cà phê xứ lạnh, các loại cây dược liệu như: Cây đương quy, sâm dây, cà gai leo...
Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã được cải thiện, nâng lên một bước đáng kể. Công tác phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở, kiên cố hóa phòng học đạt 100%, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 27,1%. Các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc làm, an sinh xã hội, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin truyền thông đều đạt được những bước tiến quan trọng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được nâng cấp, xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất, sinh hoạt của dân cư.
Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, hàng năm xã được nhà nước đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi, xây dựng trường học. Nhờ đó, các công trình hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện và đồng bộ. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo được quan tâm. Các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả được chú trọng nhân rộng... góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn xã.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Kon Plông- “Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên” cũng đã gặp không ít những khó khăn, thách thức. Công tác huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn do ngân sách huyện và các xã còn thấp. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư còn hạn chế do các xã trên địa bàn huyện thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân cư sống không tập trung, địa bàn rộng.
Tuy nhiên, nhờ biết tận dụng thế mạnh về du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà huyện Kon Plông đã dần tháo gỡ những khó khăn, thách thức trên. Đến cuối năm 2019, huyện Kon Plông đã thành lập được một khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 170 ha; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận một vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271 ha; triển khai dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “Cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khi những rào cản về chính sách được tháo gỡ, công tác thu hút dự án đầu tư vào huyện Kon Plông trở nên hấp dẫn. Đến năm 2019, huyện Kon Plông đã thu hút được 42 dự án của các tổ chức, doanh nghiệp; 14 dự án hộ gia đình và một dự án thu hút dân cư vào vùng quy hoạch phát triển rau, hoa, củ quả xứ lạnh và các loại cây trồng khác với nguồn vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.376,5 tỷ đồng.
Với sự đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mạnh mẽ đã thúc đẩy ngành Du lịch của huyện Kon Plông khởi sắc. Trong năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn hơn 160.000 lượt, đem lại nguồn doanh thu khoảng 34 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng tại các điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú khoảng 70%.
Với những thế mạnh đó, huyện Kon Plông đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 3/9 xã đạt chuẩn về nông thôn mới (Đăk Long, Măng Cành, Đăk Nên); không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (đối với 4 xã đạt chuẩn) là 41 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Tăng, Hiếu, Ngọc Tem giảm 6 - 8%/năm.