Hướng tới năng lực người học

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015

Phát triển chương trình theo hướng “tiếp cận năng lực”


Để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần xác định cách tiếp cận mới, đó là phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực. Cách tiếp cận này sẽ định hướng cho toàn bộ các thành tố của chương trình giáo dục: Từ đề xuất mục tiêu, chuẩn chương trình, đến xác định các lĩnh vực, môn học, các hoạt động, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, cách tổ chức, kiểm tra đánh giá kết quả. Nhiều nước trên thế giới đã phát triển chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận này.

Giáo viên sử dụng giáo án điện tử đưa vào giảng dạy môn tiếng Anh tại trường Trung học cơ sở Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam).


So với chương trình giáo dục truyền thống, phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực có sự khác biệt. Thiết kế truyền thống thường bắt đầu từ mục tiêu giáo dục sau đó xác định các lĩnh vực, môn học chuẩn kiến thức, kĩ năng, phương pháp dạy học và cuối cùng là đánh giá. Phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực, trước hết cần xác định các năng lực chung cần trang bị và phát triển cho học sinh. Năng lực này có thể nêu ngay trong mục tiêu của chương trình giáo dục. Từ đó mới xác định các lĩnh vực, môn học bắt buộc và xác định được chuẩn năng lực cho mỗi giai đoạn, cấp, lớp.


Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một công việc hết sức trọng đại, cần huy động trí tuệ của nhiều cá nhân và tập thể, đầu tư nhiều nguồn lực tài chính và cần sự quan tâm phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Nhằm phát triển, ban hành và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cùng với bộ sách giáo khoa, các phương tiện và tài liệu giáo dục khác dựa trên những cơ sở khoa học tin cậy và vững chắc. Đặc biệt, cần tạo được sự đồng thuận trong ngành giáo dục cũng như các tầng lớp xã hội về ý tưởng và nội dung chủ yếu, đảm bảo tính đồng bộ trong việc chuẩn bị các điều kiện triển khai… Có rất nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn được đặt ra, đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu và thực hiện một cách khẩn trương nhưng thận trọng.

 

PGS.TS Trần Kiều, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Từng bước thực hiện việc giảm tải, tích hợp dạy học


Cơ cấu giáo dục hiện nay cùng với cách tổ chức nội dung chương trình không thể nào khắc phục được tình trạng quá tải cho học sinh. Do đó, cần thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông. Cụ thể, giai đoạn 1 là giai đoạn giáo dục cơ sở mang tính bắt buộc, mọi học sinh được học tập giống nhau trong 10 năm nhằm trang bị học vấn cốt lõi, để hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giai đoạn 2 kéo dài hai năm (giai đoạn sau giáo dục cơ sở) chuẩn bị cho học sinh học lên cao đẳng hoặc đại học. Ở giai đoạn này, tùy theo năng lực, sở thích, học sinh được chọn các môn học, học phần phù hợp. Chương trình cho giai đoạn này phải mềm dẻo để thỏa mãn mọi nhu cầu lựa chọn của người học, giúp học sinh chuẩn bị kiến thức, kỹ năng gần với sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.


Với cấu trúc như vậy thì chương trình giáo dục phổ thông cần theo hướng tiếp cận năng lực, giảm tải, tích hợp, phân hóa. Tiếp cận năng lực thể hiện ở chỗ nội dung học trong nhà trường phổ thông cần được lựa chọn từ các thành tố cấu trúc của nền văn hóa nhân loại nhằm hình thành và phát triển năng lực then chốt cho học sinh.


Theo tôi, việc giảm tải có thể thực hiện dần trong những năm học tới. Phương pháp tích hợp môn học sẽ được bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên để có thể truyền thụ kiến thức hiệu quả nhất tới học sinh.

 

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Dân lập Lương Thế Vinh
Đổi mới mạnh mẽ chuẩn kiến thức và chương trình


Giảm mạnh khối lượng kiến thức văn hóa trong tất cả các môn học: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… Chỉ giữ lại những gì hết sức cơ bản, cần thiết và phổ thông. Chẳng hạn về môn Toán ở bậc THPT không cần thiết phải học tích phân, số phức, không cần phải làm những bài toán phức tạp về phương trình lượng giác hoặc hình học không gian. Chương trình của ta hiện nay đang thực sự quá tải.


Tăng cường một cách thích đáng về thời lượng và chất lượng các môn học làm người: Kỹ năng sống, hòa nhập, thân thiện với môi trường, biết lao động và quý trọng lao động, rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật một cách lành mạnh. Mở thêm các trường dạy nghề với cơ sở dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể đào tạo ra những học viên có tay nghề và có trình độ văn hóa phổ thông. Tôi nghĩ đây là những việc hoàn toàn có thể làm ngay để chuẩn bị cho những thay đổi mạnh mẽ về chương trình và SGK sau năm 2015.

 

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN