Sau hai năm thực hiện chương trình hỗ trợ hội viên Hội Nông dân phát triển chăn nuôi kết hợp xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas), tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 3.300 công trình biogas. Những công trình này đang phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế và thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu. Bà Hoàng Thị Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, cho biết: “Mỗi hộ chăn nuôi khi xây dựng hầm biogas bằng vật liệu nhựa composite được vay 18 triệu đồng và được tỉnh hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm/hộ. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ lãi suất tiền vay trong thời gian 36 tháng, hộ nghèo được giảm 100% lãi suất, các hộ khác được giảm 50% lãi suất. Việc xây dựng hầm biogas góp phần tận dụng chất đốt, giảm thiểu phá rừng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đồng thời khuyến khích chăn nuôi phát triển kinh tế, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Gia đình anh Trịnh Viết Ngọc, thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương sử dụng khí biogas để tiết kiệm chi phí đun nấu và thắp sáng. |
Gia đình anh Nguyễn Văn Dần, dân tộc Tày, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, trước đây là hộ nghèo trong xã. Năm 2013, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hầm biogas phục vụ chăn nuôi. Anh Dần được vay 18 triệu đồng với ưu đãi trong năm đầu tiên không phải trả lãi, năm thứ 2 trả lãi 50%, năm thứ 3 trả 100%. Từ khi xây dựng hầm biogas, nhà anh Dần duy trì nuôi 30 con lợn, cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo. Anh Dần cho biết: “Có hầm biogas, nên mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được 400.000 - 500.000 đồng chi phí mua gas, mua củi và điện. Gia đình còn tận dụng được nguồn chất thải sau khi đã qua xử lý bằng hầm biogas, để bón ruộng, tăng năng suất, sản lượng cho cây trồng”.
Công trình khí sinh học biogas góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi và bảo đảm vệ sinh môi trường. |
Cũng như gia đình anh Dần, gia đình anh Trịnh Viết Ngọc, thôn Trung Long, xã Trung Yên, xây dựng hầm biogas để phát triển chăn nuôi, tận dụng nguồn khí đốt để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Gia đình anh nuôi 30 - 40 con lợn, trồng và chế biến chè sạch. Anh Ngọc chia sẻ: “Trước đây, toàn bộ chất thải chăn nuôi đều xả thẳng ra vườn, xuống ao nuôi cá, vừa mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến môi trường. Từ ngày xây hầm biogas, ngoài việc đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, gia đình còn tiết kiệm được chi phí mua chất đốt và có phân bón để sản xuất chè sạch”.
Việc sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi ở Tuyên Quang góp phần giúp ngành chăn nuôi gia súc phát triển lâu dài, cải thiện môi trường trong chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh: Quang Cường