Giữ hồn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer - Bài 1: Hòa nhập cuộc sống hiện đại

Giữa bộn bề của cuộc sống đô thị, đồng bào Khmer tại TP Hồ Chí Minh vẫn gìn giữ cho mình những nghi lễ mang tính truyền thống trong các ngày lễ, hội của dân tộc.

Những năm gần đây, do những biến đổi dân số chưa được cập nhật đầy đủ và quá trình di chuyển nơi sinh sống để mưu sinh của người dân nên chưa có thống kê chính thức về số đồng bào Khmer tại TP Hồ Chí Minh. Theo ước lượng, hiện nay có khoảng 10 ngàn người Khmer đang có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh, là tộc người đông thứ 3 sau người Kinh và Hoa.

Gìn giữ bản sắc dân tộc

Qua thời gian sinh sống lâu dài tại TP Hồ Chí Minh, cộng đồng người Khmer đã hòa nhập, trở thành một bộ phận cư dân sinh sống ổn định tại thành phố và ngày càng bắt kịp xu hướng phát triển chung của xã hội hiện đại. Người Khmer tại TP Hồ Chí Minh giờ đây không còn tập trung quần cư theo từng khu vực như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà đã dần sống xen kẽ trong các cộng đồng tộc người khác như Việt, Hoa, Chăm… 

Chú thích ảnh
Múa chào mừng Tết Chôl Chhnăm Thmây của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Sinh hoạt thường ngày, trang phục, thói quen của đồng bào Khmer đã có nhiều nét thay đổi, để phù hợp, tương đồng với cư dân thành phố nói chung. Tuy nhiên, những nét đặc trưng về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đặc biệt sinh hoạt lễ hội vẫn được đồng bào Khmer gìn giữ, bảo tồn, được thể hiện rõ nét trong các sinh hoạt tôn giáo, các ngày lễ hội của dân tộc Khmer và ngày càng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cả cộng đồng.

Ông Danh Chia, một người Khmer quê ở Kiên Giang, nay sống tại Phường 10, quận Tân Bình - địa bàn tập trung đông người Khmer tại thành phố cho biết, do những biến cố lịch sử trong quá khứ, phần đông đồng bào Khmer hiện nay ở TP Hồ Chí Minh đều đã trải qua những năm tháng di cư ở nhiều nơi trước khi trở về lại thành phố. Mặc dù có lúc khó khăn, cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng đồng bào Khmer vẫn luôn giữ được những nét cốt cách bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của mình.

“Tụi nhỏ không chỉ vẫn giữ tiếng nói Khmer mà còn được dạy chữ Khmer, biết về văn hóa Khmer. Ngày lễ, tết của dân tộc vẫn cùng cha mẹ làm cơm cúng thời phụng tổ tiên hay lên chùa làm lễ. Việc ăn mặc, múa hát trong những ngày lễ của dân tộc vẫn giữ được nếp cũ xưa kia của cha ông”- ông Danh Chia chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thu, Trưởng Khoa Nhân học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh - người đã có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tộc người, cho rằng, để thích ứng với cuộc sống đô thị, nếp sống, sinh hoạt văn hóa người Khmer sinh sống lâu năm tại TP Hồ Chí Minh tuy có những khác biệt so với người Khmer ở Nam Bộ, nhưng cơ bản vẫn giữ được những nét đặc sắc của nền văn hóa dân tộc truyền thống và tạo nên nét đặc thù của người Khmer.

Nâng cao đời sống

Sinh sống tại một đô thị năng động với những đòi hỏi cao về trình độ nắm bắt kiến thức, sự nhanh nhạy trong tư duy kinh tế, trong khi đại đa số người Khmer xuất thân từ hoạt động kinh tế nhỏ lẻ, có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật thấp. Vì vậy, đời sống đồng bào Khmer còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống và tri thức cho đồng bào Khmer mà một trong những mối quan tâm của TP Hồ Chí Minh trong việc hướng tới xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Chính sách, Ban Dân tộc TP Hồ Chí Minh, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình mang tính đặc thù hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào Khmer ổn định và phát triển cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, đào tạo, hướng nghiệp và dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer. 

Nhằm nâng cao trình độ học vấn, động viên đội ngũ giáo viên người dân tộc trong giảng dạy nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho đồng bào thiểu số, TP Hồ Chí Minh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng từ nguồn ngân sách thành phố như chính sách miễn học phí đối với học sinh người Khmer từ 2013-2020; hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2014-2020; hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc.

Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố đã có hơn 2.000 lượt học sinh, sinh viên người Khmer và gần 100 lượt giáo viên người Khmer nhận được sự hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh với kinh phí hàng tỷ đồng.

Các ngành, đơn vị chức năng của thành phố triển khai nhiều chương trình hỗ trợ dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đồng bào Khmer như đào tạo nghề miễn phí trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cho hàng tram lao động Khmer; gần 1.000 lượt lao động Khmer được giải quyết việc làm và hỗ trợ cho hơn 500 hộ gia đình Khmer vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Bà Thị Suyên (quê ở Kiên Giang), hiện ở 21/11A, Bùi Thế Mỹ, Phường 10, Tân Bình chia sẻ, cuộc sống gia đình bà trước kia khá khó khăn do đông con, vợ chồng chủ yếu làm thuê, buôn bán lặt vặt. 5 người con của bà đều nhận được sự hỗ trợ của nhà nước dành cho đồng bào Khmer như miễn học phí, nhận học bổng, hỗ trợ học nghề, đến nay đều có việc làm ổn định và đã giúp cuộc sống gia đình bà không còn vất vả như trước.

Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thư ký Văn phòng Phật giáo Nam tông Khmer, hiện đang tu tập tại chùa Candaransi, Quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, qua tiếp xúc và những lần trực tiếp xuống làm lễ cho đồng bào Khmer có thể nhận ra rằng, đời sống người Khmer TP Hồ Chí Minh ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương. “Thực tế là trong những năm qua, chùa Candaransi và người dân Khmer tại thành phố đều được hưởng lợi rất nhiều từ các công trình an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ dành cho người dân tộc”, Đại đức Châu Hoài Thái nhấn mạnh.

Có thể nói, trong thời gian qua, với sự quan tâm sát sao của thành phố, các chính sách đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào Khmer và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn thành phố đã đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào, tạo thêm động lực tinh thần, tăng thêm niềm tin vào Đảng và chính quyền thành phố trong sự nghiệp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Bài 2 - Náo nức điệu Răm-vông nơi đô thị

Xuân Khu (TTXVN)
Đoàn công tác Hội đồng dân tộc của Quốc hội chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Bạc Liêu
Đoàn công tác Hội đồng dân tộc của Quốc hội chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Bạc Liêu

Ngày 12/4, đoàn công tác Hội đồng dân tộc của Quốc hội do bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đến thăm và chúc Tết Chôl Chnăm Thmây Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, chùa Cái Giá giữa, chùa Cái Giá cũ tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN