Ngôi nhà nhỏ của già làng Trương Viết Văn nằm trong con ngõ tại bản Trung Lương, xã Tân Xuân, xung quanh là cánh đồng mía xanh tốt, mang lại cảm giác bình an, thư thái. Trong phòng khách đơn sơ, già làng Văn đặt nhiều tấm hình của Bác Hồ. Năm nay đã 78 tuổi nhưng ở già làng Văn trông vẫn rất minh mẫn. Đặc biệt, giọng nói nhẹ nhàng, lôi cuốn khi ông kể về sự thay đổi ở bản Trung Lương.
Toàn bản có 213 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu. Trước kia, bản Trung Lương được coi là khó khăn nhất của xã Tân Xuân, với gần 100% là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo cao. Trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu dù có lợi thế về đất nông nghiệp và chăn nuôi. Hiện nay, Trung Lương trở thành bản đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn của xã. Bước ngoặt đổi thay đó bắt đầu từ năm 2013, khi người dân trong bản tín nhiệm chọn ông Trương Viết Văn làm già làng.
Là người có uy tín, già làng Văn suy nghĩ làm sao cho kinh tế của đồng bào ngày càng ổn định và khá lên. Đặc biệt, người dân biết sản xuất, chăn nuôi, mới thoát được đói nghèo. Muốn như vậy, mình phải làm gương để người dân noi theo. Năm 2013, xã Tân Xuân chủ trương dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân chưa đồng ý và e ngại thì già làng Văn cùng các con cháu là những người đầu tiên thực hiện chính sách này.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất, áp dụng kỹ thuật nên vùng trồng mía của gia đình ông Văn đạt hiệu quả cao. Từ thành công bước đầu này, nhiều người được ông vận động đã học tập, làm theo. Hơn 160 ha đất nông nghiệp của bản Trung Lương được dồn điền đổi thửa, cải tạo thành vùng tập trung chuyên canh trồng mía. Việc sản xuất dễ dàng hơn khi áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí, nhân công… Nếu như năm 2018, năng suất mía bình quân của huyện Tân Kỳ là 60 tấn/ha thì ở bản Trung Lương đã lên tới 80 tấn/ha.
Không dừng lại ở đó, già làng Văn còn chăn nuôi dê, bò, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, rau xanh để cải thiện đời sống. Nhiều gia đình, hộ dân được ông vận động cùng thực hiện. Kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, nhiều mô hình kinh tế của người dân ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống dần ổn định và thoát nghèo. Từ gần 30 hộ nghèo năm 2014, hiện nay toàn bản chỉ còn 7 hộ. Già làng Văn càng được người dân tín nhiệm, nể trọng.
Chị Trương Thị Hà, 40 tuổi, ở bản Trung Lương, cho biết: "Mọi người trong bản rất tin tưởng già làng Văn. Già sống tình cảm và luôn giúp đỡ người dân nhiều."
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa ở bản Trung Lương, già làng Văn vận động người dân hiến đất mở rộng đường, đóng góp xây dựng nhà văn hóa bản… Lúc đầu, chính quyền địa phương xuống bản vận động nhưng nhiều người chưa ủng hộ và thực hiện, già làng Văn phải đến từng nhà tuyên truyền cho mọi người về lợi ích chung, cũng như trách nhiệm của mỗi gia đình trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Là người có uy tín nên người dân rất đồng thuận. Nhờ đó, người dân đã hiến hơn 4.500 m2 đất làm đường, đóng góp gần 400 triệu đồng làm đường nông thôn, 210 triệu đồng xây nhà văn hóa…
Vì vậy, bản Trung Lương đã vươn lên tốp đầu về mọi mặt của xã và góp phần quan trọng giúp xã Tân Xuân đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018.
Những con đường vào bản nay đã khang trang sạch sẽ, đồng bào biết làm kinh tế, cuộc sống dần khá hơn, tình hình an ninh, trật tự xã hội ổn định. Bản Trung Lương trở thành điểm sáng để các bản khác trong xã, huyện Tân Kỳ học tập, làm theo. Những đổi thay tích cực đó nhờ vào những người như già làng Văn với cái tâm vì cộng đồng.
Già làng Văn chia sẻ, để đồng bào tin tưởng, người đứng đầu phải là tấm gương sáng. Lãnh đạo phải gần dân, hiểu dân, tận tâm vì lợi ích của mọi người chứ không đề cao mình. Cán bộ cần có lối sống giản dị, học tập và làm theo Bác Hồ thì dân quý, dân thương. Khi đó, chủ trương của nhà nước mới được nhân dân ủng hộ, thực hiện.
Với những đóng góp trên, già làng Văn đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen về vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, năm 2019, ông được Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2019.
Ông Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân khẳng định, già làng Văn là người rất có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Già đã phát huy tốt vai trò, giúp chính quyền địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển địa phương.