Gây quỹ mua cồng chiêng

Việc vận động gây quỹ mua cồng chiêng của thanh niên nhiều làng ở xã Yang Bắc huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai được coi là một cách làm sáng tạo nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng.


Tại các làng, UBND xã cho đoàn viên thanh niên mượn đất để trồng trọt và sản xuất bằng các loại hình khác nhau, nhờ đó mỗi Chi đoàn thu nhập vài chục triệu đồng/năm.

Với số tiền thu được từ trồng trọt, chăn nuôi, các Chi đoàn ưu tiên hàng đầu cho việc mua cồng chiêng phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Như tại làng Jun, đoàn viên thanh niên đã đổi 2 con trâu (trị giá trên 20 triệu đồng) để lấy một bộ chiêng làm phương tiện sinh hoạt. Làng Bung Bang, Krối, Jro Dơng..., mỗi làng đều có một bộ chiêng vài chục triệu đồng.

Anh Đinh DRăp, Bí thư Đoàn xã Yang Bắc chia sẻ: “Chúng tôi yêu tiếng chiêng từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Đó cũng là sinh hoạt văn hóa chủ yếu của thanh niên địa phương trong những dịp lễ, hội. Thanh niên trong làng, ai cũng biết chơi chiêng. Toàn xã có 15 làng, ở mỗi làng đều thành lập đội chiêng thanh niên”.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam cho rằng, bảo tồn không gian cồng chiêng Tây Nguyên, quan trọng nhất là đối với giới trẻ.

N.L
Giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng
Giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng

Việc vận động gây quỹ mua cồng chiêng của thanh niên nhiều làng xã ở tỉnh Gia Lai được coi là một cách làm sáng tạo nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN