Khởi đầu cho mùa cưới năm 2011, bà con dân tộc Chăm tại làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vừa được chứng kiến một lễ cưới chưa từng xảy ra trong tiền lệ. Đó là người con gái út (người trụ cột, kế thừa dòng tộc) của một gia đình người Chăm Hồi giáo (đạo Bàni) được gả chồng là người Kinh ở tận tỉnh Bến Tre.
Dân làng thoáng buồn vì lần đầu tiên lưu luyến tiễn người con gái của làng đi lấy chồng. Người già còn lo sợ bề trên quở phạt, đám thanh niên chỉ tiếc vì cô dâu là cây văn nghệ của làng, là nhà nông đua tài tận Hà Nội nay phải rời làng đi xa. Bù lại, niềm vui lớn đã đến với họ, đó chính là tục lệ khắc nghiệt đã kéo dài từ nhiều đời nay, gây biết bao bất hạnh cho những lứa đôi yêu thầm nhớ trộm đã dần được loại bỏ. Những đôi tình nhân khác đạo, khác làng, khác dân tộc nhen nhúm niềm hy vọng được các cả sư, già làng chấp nhận tìm hiểu, chấp nhận hôn nhân.
Nhận thấy văn hóa cưới hỏi của đồng bào Chăm theo Hồi giáo có nhiều điều lạc hậu, nhiều điều không phù hợp đời sống văn hóa mới, các già làng, sư cả đã biết gạn đục khơi trong, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, đồng ý cho người dân trong làng gả con cho người Kinh.
Sư cả Từ Công Dư - Phó Chủ tịch Hội đồng sư cả Chăm Bàni nói, phong tục cưới hỏi vẫn lưu truyền, vẫn thực hiện, nhưng theo nếp sống mới là đơn giản các thủ tục lễ nghi và đồng ý cho nhà trai rước con gái theo chồng. Đó là phải qua 5 lễ như: Lễ làm mối cho tìm hiểu, Lễ dạm hỏi, Lễ hỏi, Lễ thánh, Lễ cưới.
Trước đây, mỗi lễ đều có lễ vật, ăn uống và mỗi lễ phải qua thử thách cách nhau ít nhất một tuần, có trường hợp kéo dài hàng tháng, cả năm. Nay làm đơn giản, cụ thể như đám này chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày. Tất cả các nghi lễ truyền thống, đãi họ hàng ăn uống, tặng quà làm của hồi môn chỉ diễn ra trong vòng buổi trưa; buổi chiều tối là tiệc liên hoan của bạn bè đôi lứa.Trước đây, theo tập tục tôn giáo, người dân tộc Chăm không được lấy người khác đạo, khác dân tộc.
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, người con gái là trụ cột của gia đình, dòng tộc, chủ động cưới chồng về nhà, không gả chồng. Đặc biệt người con giá út trong gia đình phải khắt khe tuân thủ, bởi là người kế thừa chính của cả gia đình dòng tộc. Một vài trường hợp vi phạm đã bị xử phạt, bị khai trừ ra khỏi dòng tộc, sống cô đơn, không chỗ chôn thân.
Qua thời gian dài tuyên truyền, thuyết phục của các cấp chính quyền, các đoàn thể, gần đây nhiều già làng, sư cả (đạo Hồi), cả sư (đạo Bàlamôn) đã thuận tình cho người Chăm hai đạo cưới nhau, cùng nhau chung sống trong cộng đồng. Tại đám cưới, cô dâu là người dân tộc Chăm, chú rể là người Kinh, cả hai họ người Kinh, Chăm cùng bà con, dòng tộc bạn bè gần xa của hai họ, kể cả các chức sắc Hồi giáo (đạo Bàni) đã cùng nhau chung một niềm vui hạnh phúc của lứa đôi nên vợ thành chồng.
Đức Ánh