Dựng lớp tạm đón học sinh tới trường

Cấp tiểu học tại điểm bản Chiềng In thiếu lớp học, nên dân bản phải huy động người góp công, người góp của cùng giáo viên dựng nhà tạm, để có nơi đón học sinh tới trường. Nhiều năm nay, thầy cô giáo và học sinh phải khắc phục khó khăn, chờ được đầu tư xây dựng trường lớp kiên cố.

Chờ lớp học mới

Từ trung tâm huyện Vân Hồ (Sơn La), đi xe máy gần tiếng đồng hồ, xuống dốc quanh co khúc khuỷu, chúng tôi mới đến được bản Chiềng In. Dưới cái nắng chói chang, phụ huynh và giáo viên cắm bản Chiềng In, xã Xuân Nha (Vân Hồ) đang tất bật sửa sang lại lớp học tạm để chuẩn bị cho năm học mới. Trưởng bản Hà Công Ứm nghỉ tay, lau mồ hôi, nói: “Dãy nhà tạm này dân bản đã dựng từ lâu để các em học sinh có nơi ngồi học, năm học nào cũng phải sửa lại. Để đảm bảo lâu dài, dân bản mong Nhà nước sớm đầu tư, xây dựng lớp học kiên cố, phục vụ tốt công tác dạy và học của thầy cô giáo, học trò ở bản khó khăn biên giới này”.

Đầu năm học mới, phụ huynh và giáo viên cấp tiểu học cắm bản Chiềng In đều phải thay mái mới và gia cố vách để đảm bảo cho các em có lớp ngồi học.


Trưởng bản Ứm cho biết, đầu năm học mới, phụ huynh phân công nhau góp tấm cọ, người tháo dỡ, người vào rừng lấy tre nứa, gỗ… cùng nhau sửa lại các lớp học tạm này. Tuy nhiên, do lớp tạm là nền đất không ngăn kín vách, nên mùa đông thì lạnh giá, nắng thì nóng, có hôm mưa to hắt vào lớp thì phải nghỉ học. “Dân bản một trăm phần trăm là đồng bào dân tộc, dựa vào mấy sào ruộng để sống, có 84 hộ thì mất đến 52 hộ nghèo. Mọi người cũng muốn đóng góp để xây dựng lớp học kiên cố cho con cái, nhưng lấy tiền đâu? Nhiều lần họp bản, đưa ra bàn bạc rồi lại thôi. Các gia đình chỉ thống nhất xây dựng Hương ước không được để con em bỏ học giữa chừng”, ông Ứm nói.

Theo thống kê của thầy Đặng Trọng Nam, hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Xuân Nha, cả khối tiểu học có 34 phòng học tại 7 điểm trường, nhưng có tới 16 phòng học tạm và 8 phòng bán kiến cố. Ở điểm bản Chiềng In chỉ có 2 phòng học kiên cố, nhà trường phải ngăn một khoảnh hơn 3 mét vuông từ một lớp học, để lấy nơi cho giáo viên nhà xa ở lại. Nhiều điểm trường khác cũng trong tình trạng như vậy.

Dãy nhà công vụ tại điểm trường trung tâm bị gió lốc cuốn tốc mái tan hoang, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng và đang chờ kinh phí sửa chữa.


Thầy Nam cho biết: “Lớp học tạm là một trong những nguyên nhân hạn chế để nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, mặc dù thầy cô giáo đã rất cố gắng, kể cả là bỏ công sức để dạy phụ đạo các em học sinh ngoài giờ. Các em bước vào lớp một còn không biết các số tự nhiên, bảng chữ cái, giáo viên phụ trách lớp phải dạy lại từ đầu”. Khi tôi hỏi về thành tích của nhà trường, thầy Nam lắc đầu nói không có thành tích nổi trội, hàng năm duy trì tỷ lệ chuyên cần và hạn chế thấp nhất học sinh ở lại lớp là tốt lắm rồi, việc nâng cao chất lượng giáo dục ở đây thì phải có thời gian.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Vân Hồ, bước vào năm học mới 2015 - 2016 ngành có 788 phòng học, trong đó có 229 phòng học tạm (chiếm gần 30%), năm học 2014 - 2015 đã xóa được 39 lớp tạm.

Cuối giờ chiều, công việc sửa lại dãy nhà tạm có 3 lớp học, kê lại bàn ghế, lắp bảng viết ở điểm bản Chiêng In đã hoàn thành. Phụ huynh và giáo viên ngồi uống nước, khuôn mặt ai cũng hớn hở, ngày mai đã có lớp để đón các em học sinh nhập trường và tổ chức ôn tập kiến thức. Các thầy cô giáo tâm sự, do thiếu giáo viên và thiếu lớp học nên cả trường hiện có 2 lớp đang dạy ghép lớp 4 và 5, trong đó điểm bản Chiềng In một lớp và bản Mường An một lớp. Trong năm học mới này, Trường Tiểu học Xuân Nha đang đề nghị Phòng giáo dục huyện bổ sung thêm 2 giáo viên để đủ điều kiện tách lớp.

Chúng tôi chào mọi người ra về. Qua chiếc cầu bê tông trước trường học, thầy Nam nói: “Năm học vừa rồi, cả giáo viên và học sinh cấp tiểu học và mầm non được xây cầu để qua suối nên đỡ phần vất vả, còn các năm trước phải lội suối để sang trường. Hôm nước suối cạn thì không sao, nước lũ về thì cả thầy cô và học sinh phải nghỉ học”. Dù trời sập tối, nhưng thầy Nam muốn vào điểm trường trung tâm kiểm tra lại 6 phòng công vụ bị tốc mái do ảnh hưởng cơn bão số 1 vừa qua. Đứng nhìn mái che brôximăng đổ nát, đồ đạc của giáo viên ướt sũng, xoong nồi và bát đũa mỗi nơi một cái, thầy Nam không khỏi lo lắng: “Chúng tôi đã báo cáo thiệt hại lên Phòng giáo dục huyện và đề nghị cấp kinh phí sửa chữa để giáo viên có nơi ở, nhưng chưa thấy có ý kiến gì. Hiện giáo viên đã về trường chuẩn bị vào năm học mới, nhưng phải đi ở nhờ”.

Là con của bản

Ngồi sau chiếc xe máy cà tàng của thầy Nam vượt dốc để ra ngoài huyện, tôi nhớ những lời tâm sự của cô giáo Đỗ Thị Hồng Vân: “Từ khi đứng bục giảng đến nay đã được hơn 33 năm, tôi chỉ gắn bó với dân bản Chiềng In. Tôi chết cũng chỉ làm ma của bản Chiềng In”. Lời cô giáo Vân nói quả quyết như đinh đóng cột. Thầy Nam cho biết, nhiều lần nhà trường muốn chuyển cô giáo Vân về điểm thuận lợi hơn, nhưng cô đề nghị được ở lại, vì quen với học sinh, thân với dân bản, rời đi không đành. Giáo viên vùng cao, biên giới mới đến nhận công tác, chưa quen thì nản lòng, nhưng ở lâu rồi được dân bản quý thì không muốn đi đâu cả. Dù khó khăn, vất vả, thầy cô giáo yêu nghề và thương học sinh nên vượt qua tất cả.

Cuộc đời của cô giáo Đỗ Thị Hồng Vân cũng không ít gian truân, bất hạnh, trải qua hai đời chồng, mỗi người có một đứa con nhưng hạnh phúc gia đình đều đổ vỡ. Để cô đỡ phần vất vả, bên ngoại nhận nuôi cháu thứ hai, cháu đầu về ở với nội dưới xuôi. Xa con, nhớ con, cô Vân dồn tất cả tình yêu thương cho học trò và xem các em như con ruột mình để chăm sóc, dạy bảo.

Trên đường ra trung tâm huyện, chúng tôi dừng nghỉ giải lao cho xe nguội máy. Nhắc đến việc hỗ trợ các học sinh nghèo, thầy Nam nói: “Kỳ II của năm học 2014 - 2015 khoản hỗ trợ học sinh nghèo 70.000 đồng/tháng đã bị cắt nên rất khó khăn để vận động học sinh ra lớp. Đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có tiền hỗ trợ thì các em sẽ bỏ học mất thôi. Tôi mong Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ này để học sinh dân tộc có điều kiện tới trường học con chữ”.
Hoàng Việt
Bảo đảm 100% học sinh người Khmer đến trường
Bảo đảm 100% học sinh người Khmer đến trường

Đến nay, cùng với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp khang trang, cấp ủy, chính quyền các cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào Khmer Tây Nam Bộ sẵn sàng bước vào năm học mới 2015 - 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN