Sau thành công với mô hình trồng cây lúa nước cứu đói cho đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, tháng 10/2011, Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã tiếp tục đưa cây cao su về trồng thử nghiệm, bước đầu có triển vọng tốt. Mô hình này thành công sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên, tạo công ăn việc làm, phủ xanh đồi núi, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con đồng bào Rục nơi đây.
Thiếu tá Lê Quang Hà bên vườn cao su giống. |
Cao su là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhiều mặt như lấy mủ, hạt, gỗ... Hơn nữa, đây là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chu kỳ khai thác, kinh doanh dài, không kén đất, có thể trồng được trên nhiều loại đất. Đặc biệt, rất thích hợp với loại đất đỏ bazan, đồi núi, chịu được khí hậu nắng nóng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình những năm qua đã có nhiều mô hình trồng cây cao su thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua khảo sát thực nghiệm, cán bộ khuyến lâm Đồn Biên phòng Cà Xèng nhận thấy vùng đất này có những yếu tố phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây cao su. Đơn vị quyết định trồng thử nghiệm 0,5 ha cao su tại khu vực bản Mò O Ồ Ồ. Đây được xem như một cuộc thử nghiệm đầy khó khăn và không kém phần mạo hiểm cả về điều kiện tự nhiên lẫn yếu tố xã hội...
Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng tâm sự: “Quảng Bình là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt. Mùa hạ nắng nóng, mùa đông rét đậm rét hại kéo dài, thi thoảng kèm sương muối. Cao su là loại cây chịu rét kém, chỉ thích nghi ở vùng có nhiệt độ ấm, ổn định. Đây cũng là vấn đề khiến chúng tôi lo ngại nhất. Cuối tháng 10/2011, đơn vị bắt đầu triển khai trồng thử nghiệm. Cây cao su vừa mới xuống giống chưa đầy một tháng không may gặp phải đợt rét kèm sương muối kéo dài hơn 2 tuần. Cây cháy hết lá. Lúc đó chúng tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc. Ngày nào đơn vị cũng cử chiến sĩ ra vườn xem rồi về báo cáo tình hình. Nhưng sau đợt rét, thấy cây bắt đầu ra lá, xanh tươi trở lại. Ai cũng vui mừng thở phào nhẹ nhõm, yên tâm khẳng định cây cao su có thể “bám trụ”, đứng vững trên vùng đất hoang vu với khí hậu khắc nghiệt này”.
Sau hơn một năm bén rễ tại Mò O Ồ Ồ, cây cao su đã cao hơn 1 m, lá cây xanh tốt, thân cây mập tròn, khẳng định hướng đi đúng của Đồn Biên phòng Cà Xèng. Do đặc thù cao su là loại cây lâu năm, có thời gian sinh trưởng dài nên Đồn Biên phòng Cà Xèng thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh với ngô, đậu, lạc… nhằm tận dụng nguồn đất và mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Với thành công này, trong thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng diện tích lên 10 ha với 6.000 cây cao su được trồng mới.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Địa bàn đồn quản lý gồm 3 bản: Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, bản Ón, với các dân tộc Rục, Sách, Vân Kiều, Kinh cùng sinh sống. Tuy nhiên, Mò O Ồ Ồ là bản khó khăn nhất, đa phần là đồng bào Rục. Trước đây, ruộng lúa nước Rục Làn ra đời giúp bà con phần nào ổn định cuộc sống, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức chống đói. Tình trạng dư thừa lao động, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Mô hình trồng cao su thành công sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững cho bà con đồng bào Rục nơi đây”.
“Đây là mô hình thí điểm để bà con học tập làm theo. Năm 2013, khi dự án trồng cây cao su do huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đầu tư, cung cấp giống cây cao su miễn phí cho bà con được triển khai, chúng tôi sẽ phối hợp cử cán bộ xuống từng hộ gia đình, hướng dẫn bà con trực tiếp trồng, chăm sóc”, Trung tá Trịnh Thanh Bình cho biết thêm.
Trong tương lai, cây cao su, hay còn gọi là vàng trắng, cùng với vựa lúa nước Rục Làn sẽ là hai giống cây chủ lực, giúp phát triển kinh tế vùng biên. Người Rục cũng sẽ sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo đeo bám.
Bài và ảnh: Bùi Hiếu