Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa của dân tộc Si La cũng được chú trọng bảo tồn. Các nhạc cụ, điệu hát, kho tàng văn học truyền miệng được những người cao niên trong bản Sì Thâu Chải, Seo Hai truyền lại cho con cháu. Phụ nữ Si La ngày càng có ý thức trong việc chau truốt những hoa văn trên bộ trang phục truyền thống. Lễ hội Cầu Mùa của người Si La đang được bà con khôi phục với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn ở huyện, tỉnh...
Đồng bào Si La ở xã Can Hồ đã văn minh lên nhiều nhờ có điện. |
Ông Hù Chà Khao, năm nay đã 73 tuổi. Trước đây ông ở bản Seo Hai, nhưng từ ngày có cầu bắc qua sông Đà, ông chuyển hẳn nhà sang bên kia sông để ở. Ngày ngày ông trở về bản truyền lại những vốn liếng văn hóa của mình cho con cháu. Bên ánh than củi rực đỏ, ông Hù Chà Khao miên man kể: “Trong đời sống tâm linh của đồng bào Si La, thì nghi lễ quan trọng nhất là cúng năm mới, “cúng bản” cầu cho mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh và “làm lý giải hạn” để tránh những điều không may mắn. Đối với đời sống văn hóa tinh thần, thì cây sáo là nhạc cụ đặc trưng không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Si La. Tiếng sáo gọi bạn, tiếng sáo bay bổng trên suối, trên nương động viên tinh thần mọi người tích cực lao động sản xuất để đời sống ấm no hơn”.
Ông Hù Chà Khao thổi sáo gọi bạn lên nương. |
Đồng bào Si La không còn đói khổ nữa, nhưng nỗi lo làm sao cho các thế hệ con cháu gìn giữ và bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc thì vẫn còn đó. Ông Hù Chà Khao bùi ngùi tâm sự: “Tôi thì tuổi cao rồi mà con cháu trong bản lại không mấy người biết về các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Si La. Còn sống được ngày nào, tôi cố gắng truyền hết cho chúng nó biết về nguồn cội của mình”. Nói là làm, bao nhiêu vốn liếng về văn hóa của mình, ông truyền lại hết cho bà Hù Cố Xuân cùng bản, để bà lại tiếp tục nhân ra khắp đám thanh niên trong bản. Bà Hù Cố Xuân có cuốn sổ đã đầy những ghi chép về các lời ca tiếng hát và các nghi lễ truyền thống của đồng bào Si La. Bà bảo: “Tất cả đều ở trong này hết, sau này mình có về với ông bà thì con cháu còn có cái mà xem”. Đội nghệ nhân của bà Hù Cố Xuân có 6 người vẫn luyện tập đều đặn hàng tuần. “Mỗi bài hát Si La thường dài lắm, tôi phải ghi ra từng đoạn một bằng tiếng phổ thông rồi phát cho chị em. Tranh thủ những lúc nông nhàn, không lên nương, lên rẫy giở ra xem. Đến khi thuộc nhuần nhuyễn rồi mới ráp lại thành một điệu múa hát hoàn chỉnh. Tập được một bài như thế mất cả tháng đấy”, bà Xuân cho biết.
Chỉ vào bộ váy áo truyền thống trong tấm ảnh chụp ngày bà tham gia Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam năm 2009, bà Xuân bảo: “Trang phục truyền thống Si La mình đây. Mỗi người phụ nữ Si La trước khi về nhà chồng đều được bố mẹ chồng may cho một bộ quần áo. Đồng bào Si La không biết dệt vải, nhưng trang phục lại rất cầu kì, với nhiều màu sắc hoa văn khác nhau. Nhất là giữa thân áo phải đính hàng chục đồng xu trắng theo hình rải quạt. Mỗi bộ mất cả tháng đấy. Phụ nữ Si La còn làm duyên thông qua những chiếc vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và khăn đội đầu được trang trí tỉ mỉ, công phu”.
Hiện nay những người hiểu biết về những nét văn hóa của dân tộc mình như ông Khao và bà Xuân không còn nhiều và lại đang ở “tuổi xưa nay hiếm”, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống. “Tôi chỉ ước muốn Nhà nước có những chính sách bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Si La, để mai sau con cháu còn biết được, để những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian…”, ông Khao tâm sự.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Bài cuối: Còn nhiều nỗi lo