Già làng Cơlâu Blao (68 tuổi), ở thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam), từ khi còn nhỏ đến khi về hưu vẫn đam mê tạc tượng. Dụng cụ để làm nên bức tượng chỉ là cái cái rựa, cái rìu và một số đục.
Già làng Cơlâu Blao rất khéo tay đẽo các tượng gỗ người Cơ Tu. Loại tượng lớn này gồm có tượng nam mặc tấm choàng thắt hình chữ X trước ngực; tượng nữ mặc váy dài, tượng người Cơ Tu đánh chiêng, người Cơ Tu cõng con, người Cơ Tu múa “tung tung da dá”… Với đồ nghề đơn sơ gồm cái rựa và cái đục, già làng Blao đã đẽo hàng trăm tượng gỗ người Cơ Tu. Nguyên liệu để tạc các bức tượng này là loại gỗ dổi, là loại gỗ quý hiếm, không bị mối mọt.
Có những tượng gỗ được khách du lịch mua với giá 1 triệu đồng. |
Các tượng gỗ của người Cơ Tu là những nét phát họa đơn giản, với những đường nét gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét, màu sắc... Song cũng phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của cộng đồng... của dân tộc mình. Nhiều tượng gỗ được tô màu chàm đen là màu của đất (Abhuyh-Catiếc), màu đỏ là màu của mặt trời (Abhuyh-plêếng). Đây là hai màu sắc của hai vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu. Màu đỏ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu nâu từ củ ma rớt để trang trí trên tượng gỗ. Ngoài ra, già làng còn chế tác các bộ y phục truyền thống của người Cơ Tu bằng vỏ cây rất đẹp.
Già làng Blao (bên trái ) giới thiệu bức tượng người phụ nữ Cơ Tu cõng con. |
Già làng Blao cho biết: ”Có một số tượng gỗ tâm linh của người Cơ Tu là hiện thân những người đã chết, không nên đặt trong nhà ở. Chỉ trừ những người sáng tác ra hình tượng đó thì có thể “chưn” ở trong nhà. Nơi đặt tượng chỉ là nhà mồ hoặc nhà Gươl… Loại tượng gỗ này, không chỉ phản ánh những khía cạnh về xã hội, phản ánh tín niệm cổ truyền Cơ Tu về thế giới bên kia của ma người chết mà còn đặc biệt thể hiện đậm nét những đặc điểm tạo hình trang trí và nghệ thuật trang trí dân gian trên gỗ của người Cơ Tu..”. Thời gian qua, già làng Blao đã bán 20 tượng gỗ cho khách du lịch với số tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/bức. Ngoài ra, già Blao còn khéo tay đan đát, đẽo gọt các con thú như kỳ đà, trăn, sơn dương... và còn là một nghệ nhân chế tác, sử dụng điêu luyện các loại trống chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống bao đời của người Cơ Tu.
Những bức tượng gỗ của già làng Blao trưng bày ở làng cổ Tây Giang nhân Lễ hội ăn mừng lúa mới. |
Để lưu giữ truyền thống văn hóa loại hình tạc tượng này, già làng Cơ lâu Blao thường xuyên “truyền nghề” cho lớp trẻ để mai đây, ông về bên kia thế giới thì có người tạc được tượng Cơ Tu nhằm lưu giữ văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc của người Cơ Tu.
Bài và ảnh: Tiên Sa