Tháng 5/2016, thôn Ngòi Rịa được đầu tư công trình cấp điện với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. Công trình có quy mô 2,7 km đường dây hạ thế; một trạm biến áp 100 KVA – 35/0,4KV, đảm bảo cung cấp điện cho 36 hộ và lớp học mầm non.
Có điện người dân thôn Ngòi Rịa, xã Đạo Viện nắm bắt thông tin qua các chương trình truyền hình. Ảnh: Quang Cường/TTXVN |
Ông Lý Seo Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Rịa, xã Đạo Viện cho biết khi chưa có điện, những vật dụng như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện…thật xa lạ với người dân. Không có điện, việc phát triển kinh tế cũng như tiếp nhận thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Nay có điện, người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ có hệ thống loa truyền thanh, việc triển khai các văn bản của xã, huyện, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, sản xuất, chăn nuôi theo mùa hoặc thông báo họp thôn để triển khai phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm thuận tiện hơn rất nhiều.
Giờ đây, người dân thôn Ngòi Rịa được xem ti vi, nghe đài để nắm bắt thông tin thời sự, học hỏi kinh nghiệm làm ăn hiệu quả thông qua các chương trình truyền hình. Có điện, người dân trong thôn đầu tư máy móc để làm dịch vụ, phục vụ chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới của xã. Gia đình anh Triệu Mạnh Cường mở dịch vụ xay xát phục vụ người dân trong thôn từ nhiều năm qua. Khi chưa có điện, gia đình anh phải dùng máy phát điện để vận hành máy xay xát. Do nguồn điện yếu, không ổn định, máy thường xuyên bị hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Từ ngày có điện lưới quốc gia, việc kinh doanh của gia đình anh thuận lợi hơn rất nhiều. Gia đình anh mở thêm dịch vụ rửa xe máy.
Khi có điện lưới quốc gia, việc học hành của trẻ em trong thôn được bảo đảm hơn. Điểm trường mầm non thôn Ngòi Rịa có 29 học sinh lớp 4 tuổi và 5 tuổi là con em đồng bào dân tộc Mông. Ngày trước chưa có điện, mùa hè nhiều cháu không tới lớp vì nóng bức, các cô giáo phải đến từng hộ vận động gia đình đưa trẻ tới trường. Để bài giảng sinh động, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, giáo viên phải tự vẽ tranh hoặc đặt in tranh minh họa. Cô giáo Lương Thị Huyền Trang cho biết: Từ khi có điện lưới, các em học sinh thích đi học hơn, lớp học luôn đảm bảo sỹ số, giáo viên không phải tới từng hộ để vận động gia đình đưa con tới trường. Giờ đây, giáo viên sử dụng giáo án điện tử với những hình ảnh sinh động giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.
Ông Lý Văn Điều, Chủ tịch UBND xã cho biết, Đạo Viện là xã thuộc chương trình 135 của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua được sự quan tâm của Nhà nước cùng với sự tích cực lao động sản xuất, tinh thần chủ động không trông chờ, ỷ lại, đời sống của nhân dân đang ngày càng được ổn định, xã đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.