Dân tộc ít người đã an cư, lạc nghiệp

Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1672), đã mở ra cho huyện Mường Tè (Lai Châu) nhiều cơ hội phát triển: Hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Anh Vàng Gạ Hừ, ở bản Phí Chi B, xã Pa Vệ Sử, mới xây dựng gia đình, ra ở riêng, lại thiếu vốn, nên vợ chồng anh vẫn thuộc diện hộ nghèo của bản. Cùng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, người thân, đặc biệt là nguồn vốn từ Quyết định 1672, gia đình anh đã làm được ngôi nhà vững chãi với tiêu chí “3 cứng”: Nền cứng, khung cứng và mái lợp tôn cứng. “Được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng làm nhà, cùng với sự giúp đỡ của bà con trong bản, gia đình tôi đã dựng được ngôi nhà chắc chắn để ở”, anh Hừ chia sẻ.

Con em dân tộc ít người đã có chỗ học tập đoàng hoàng.

Đối với một huyện xa xôi, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, cách trở, kinh tế của bà con còn nghèo, thì chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho vùng đồng bào các dân tộc khó khăn: Cống, Mảng, La Hủ, theo Đề án 1672 của Thủ tướng Chính phủ, là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Vì vậy, khi triển khai chính sách này, cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống cơ sở đã thực hiện quyết liệt và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Bà Lò Phù Mé, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sử cho biết: “Từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho người dân trên địa bàn xã theo Quyết định 1672, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với nhân dân các bản, lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn tổ chức làm nhà ở cho bà con. Nhờ có chính sách này, nhiều hộ dân trong xã đã có nhà ở, ổn định cuộc sống và yên tâm phát triển kinh tế gia đình”.

Xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc ít người.

Sau 3 năm thực hiện Đề án 1672, đến nay huyện Mường Tè đã xóa được 520 ngôi nhà tranh tre, nứa lá cho các hộ dân là đồng bào dân tộc Cống, La Hủ, Mảng ở 9 xã của huyện. Đề án cùng với các chương trình, dự án khác của Chính phủ đầu tư trên địa bàn còn giúp cho đồng bào dân tộc Mảng, Cống, La Hủ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đưa các cây, con giống mới vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đó cũng là giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, đồng thời giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biên giới quốc gia.

Đồng bào Mảng ở Mường Tè đã biết làm chuồng trại cho gia súc cách xa nhà.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2012, Ban Chỉ đạo đề án các cấp đã ban hành 47 văn bản về chỉ đạo điều hành. Kết quả thực hiện bước đầu đã đạt được một số mục tiêu chung của đề án, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư, các loại giống mới, năng suất cao được đưa vào sản xuất. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường. Học sinh được hỗ trợ chi phí ăn, học, văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn.
Bài và ảnh: Minh Phúc
An cư từ sự góp sức của cộng đồng
An cư từ sự góp sức của cộng đồng

Để giúp đồng bào “an cư, lạc nghiệp”, những năm qua các chi hội nông dân ở tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình tổ hùn vốn xây dựng nhà ở. Nhờ đó, hàng trăm hộ chưa có nhà hoặc có nhà ở tạm bợ, đã xây được nhà kiên cố. Đi đầu trong phong trào này là Chi hội nông dân ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN